Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 220 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh đái tháo đường. Số liệu mới nhất từ Hiệp hội ĐTĐ Quốc tế cho thấy cứ 8 giây có một người bị chết vì đái tháo đường, ....
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 220 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Số liệu mới nhất từ Hiệp hội ĐTĐ Quốc tế cho thấy cứ 8 giây có một người bị chết vì ĐTĐ, và đã có hơn 4,6 triệu ca tử vong vì căn bệnh này. Bệnh ĐTĐ được coi là một trong những vấn đề được quan tâm trên toàn cầu.
Tính đến nay, Việt Nam có gần 5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Với tỷ lệ tăng từ 8 - 20% mỗi năm, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ bệnh ĐTĐ tăng nhanh nhất trên thế giới. Tại tỉnh Khánh Hòa, trong năm nay, Trung tâm Nội tiết tỉnh đã tư vấn cho 148 người đang trong giai đoạn tiền ĐTĐ; khám, chữa bệnh ĐTĐ tại các trung tâm y tế và trạm y tế cho 480 bệnh nhân (BN) ĐTĐ.
ĐTĐ là một bệnh mạn tính có khả năng gây biến chứng nguy hiểm và tử vong. Vì vậy, BN cần thực hiện chế độ điều trị nghiêm ngặt, chủ động theo dõi, kiểm soát lượng đường huyết, cảnh giác phòng ngừa phát hiện sớm các biến chứng mới có thể hạn chế tổn thương nặng. Khi BN được kiểm tra và chữa trị thường xuyên bằng cách giảm thiểu nồng độ đường trong máu, chữa huyết áp cao, chữa độ máu đông cao thì bệnh không còn nguy hiểm. Nếu được chữa trị tốt và BN chịu thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thích hợp thì họ có cơ hội sống thọ như những người khỏe mạnh bình thường. Có 2 dạng ĐTĐ: ĐTĐ týp 1 và ĐTĐ týp 2. ĐTĐ týp 1 thường gặp ở người gầy, trẻ tuổi, có các biểu hiện: tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và gầy nhiều. ĐTĐ týp 2 thường gặp ở người mập, cũng có các triệu chứng: tiểu nhiều, uống nhiều, mờ mắt, cảm giác kiến bò ở đầu ngón tay và chân... Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, triệu chứng bệnh thường âm ỉ nên bệnh thường phát hiện muộn, tình cờ.
Bệnh ĐTĐ nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, làm vỡ mạch máu trong não; BN ĐTĐ rất dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim. Bệnh còn gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù lòa. Bệnh ĐTĐ có thể bị tổn thương thần kinh ngoại vi gây cảm thấy đau nhói, tê cóng và nóng nơi đầu ngón chân ngón tay. Ngoài ra, bệnh ĐTĐ dẫn đến suy giảm các chức năng lọc, bài tiết của thận, dẫn đến suy thận. Bệnh ĐTĐ còn làm tổn thương đến hệ thống miễn dịch và tăng rủi ro nhiễm trùng, nhất là ở miệng, lợi, phổi, da, bàn chân, tay...
Biến chứng của ĐTĐ thực sự rất nguy hiểm nhưng có thể hoàn toàn giảm thiểu và ngăn chặn các biến chứng trên nếu kiểm soát tốt hàm lượng đường trong máu. Để hạn chế căn bệnh này, cần: Khống chế trọng lượng cơ thể, vì vừa béo phì vừa mắc ĐTĐ, đặc biệt ĐTĐ týp 2 là điều kiện thuận lợi cho hàm lượng insulin tăng trong máu. Bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc lá, thuốc lào dễ bị vữa xơ mạch máu làm hẹp lòng mạch, gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, dễ bị các biến chứng về thận, thần kinh. Về chế độ ăn: nên ăn đa dạng, nhiều loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, và món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa...; không ăn quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều. Bên cạnh đó, luyện tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút như: đi bộ, đạp xe, bơi lội... BN nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
THU TRINH
(Trung tâm TT GDSK Khánh Hòa)