08:01, 16/01/2013

Dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường

Tuy các ngành chức năng đã nỗ lực mọi mặt nhưng do dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường nên công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2012 và đầu năm 2013 vẫn chưa đạt hiệu quả.

Tuy các ngành chức năng đã nỗ lực mọi mặt nhưng do dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến bất thường nên công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2012 và đầu năm 2013 vẫn chưa đạt hiệu quả. Số ca mắc bệnh và chết vì SXH vẫn tăng cao.

Số ca mắc bệnh vẫn cao

Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa có 45 giường bệnh, nhưng từ khoảng tháng 9-2012 trở lại đây, mỗi ngày lượng bệnh nhân (BN) điều trị tại khoa lên đến hơn 100 người, trong đó BN bị mắc bệnh SXH chiếm khoảng 80%. Không chỉ số lượng BN mắc bệnh SXH nhập viện điều trị tăng gấp 4 lần so với năm 2011, số ca mắc SXH nặng với diễn biến bệnh bất thường như tái sốc nhiều lần, rối loạn đông máu, cho kết quả âm tính SXH giả… tăng gấp 2, 3 lần.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Đông - Trưởng Khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận và điều trị khoảng 50 ca mắc bệnh SXH nặng, bị tái sốc nhiều lần, trong đó có gần 20 ca xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu gây xuất huyết nội, chảy máu không cầm được. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm vì dễ dẫn đến tử vong. Toàn tỉnh đã có 5 ca tử vong vì SXH, trong đó phần lớn rơi vào tình trạng trên. Ngoài ra, năm nay có hiện tượng một số ca nhập viện với triệu chứng lâm sàng là mắc SXH nhưng khi thực hiện xét nghiệm nhanh SXH lại cho kết quả âm tính giả, gây khó khăn cho công tác điều trị. Hầu hết các trường hợp này đều rơi vào những BN bị béo phì, mắc bệnh mãn tính, bệnh tự miễn… Gần 20 năm làm công tác điều trị bệnh SXH, đây là năm chúng tôi nhìn nhận bệnh có nhiều diễn biến khá bất thường, khó chẩn đoán. Chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ, liên tục với BV Nhi Đồng 2 và BV Nhiệt Đới (TP. Hồ Chí Minh) để xử lý các ca bệnh”.

Tuy các ngành chức năng đã nỗ lực mọi mặt nhưng do dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến bất thường nên công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh năm 2012 và đầu năm 2013 vẫn chưa đạt hiệu quả. Số ca mắc bệnh và chết vì SXH vẫn tăng cao.
Kiểm tra việc thực hiện diệt bọ gậy tại một nhà dân ở xã Diên Xuân, Diên Khánh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 5.289 ca mắc bệnh SXH (gấp 6 lần so với năm 2011), có 5 ca tử vong. Tiến sĩ Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pastuer Nha Trang nhận định, không chỉ riêng Khánh Hòa, năm nay dịch SXH cả khu vực miền Trung có những diễn biến bất thường so với chu kỳ. Thông thường khoảng 4 - 5 năm, chu kỳ dịch SXH mới xuất hiện trở lại. Năm 2010, khu vực miền Trung đã xảy ra dịch SXH với gần 36.000 ca mắc bệnh. Theo đúng chu kỳ, năm 2014 hoặc 2015 dịch sẽ bùng phát trở lại nhưng mới năm 2012, số ca mắc SXH toàn khu vực gần bằng năm 2010 với hơn 34.000 ca, có 14 ca tử vong. Một số tỉnh, trong đó có Khánh Hòa có số ca mắc bệnh SXH cao hơn trung bình 5 năm liền kề và cao nhất khu vực. Thông thường mọi năm, số ca mắc SXH tăng cao vào tháng 6, 7 và có chiều hướng giảm dần cuối năm. Tuy nhiên, điểm bất thường của dịch SXH năm 2012 là dịch tăng cao vào tháng 6, 7 và tăng liên tục đến cuối năm. Ngoài ra, tại Khánh Hòa, năm 2012 phát hiện lưu hành cả 4 typ vi rút gây bệnh SXH là D1, D2, D3 và D4. Trong đó, typ D2 - typ dễ gây tử vong nhiều nhất chiếm đến 25%.

Người dân vẫn còn chủ quan

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chiếm hơn 80%.
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chiếm hơn 80%.

Lý giải cho hiện tượng trên, Tiến sĩ Viên Quang Mai cho biết, yếu tố dẫn đến hiện tượng dịch SXH bất thường trên là năm 2012, lượng mưa khu vực miền Trung thấp, ít có những cơn mưa lớn, kéo dài nên tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn (thủ phạm chính gây ra bệnh SXH) sinh sản và phát triển. Bên cạnh đó, việc lưu hành cả 4 typ vi rút tạo ra tình trạng miễn dịch chéo gây khó khăn cho công tác điều trị.

Ngoài ra, do sự chủ quan của người dân dẫn đến số ca mắc bệnh này vẫn tăng cao và công tác phòng, chống dịch ít đạt hiệu quả. BS Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm YTDP cho biết: “Tuy các cấp, ngành đã chủ động triển khai nhiều đợt phun thuốc, phát động chiến dịch diệt bọ gậy (lăng quăng), đẩy mạnh công tác tuyên tuyền nhưng qua các đợt kiểm tra, chúng tôi phát hiện rất nhiều lọ hoa trên bàn thờ, những lu chứa nước… ở nhiều nhà người dân đầy bọ gậy. Khi được hỏi, người dân nắm rõ kiến thức về phòng, chống SXH, diệt bọ gậy nhưng do chủ quan nên không thực hiện thường xuyên việc làm này, còn ỷ lại vào việc phun thuốc diệt muỗi của các đội YTDP. Việc phun thuốc, chúng tôi thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, phun chủ yếu tại khu vực có nguy cơ bùng dịch hoặc đang có dịch. Tuy nhiên, phun thuốc chỉ diệt được muỗi chứ không diệt được bọ gậy, trong khi diệt bọ gậy chính là cách phòng, chống SXH hiệu quả và đơn giản nhất. Việc này đòi hỏi ý thức tự giác của mỗi người dân”.   

Thêm nữa, khi mắc bệnh SXH, người dân ít khi đến các cơ sở y tế mà tự ‎mua thuốc để điều trị hoặc đến các cơ sở y tế tư nhân để truyền dịch, dẫn đến diễn biến phức tạp khi bệnh trở nặng. Một số trường hợp BN có đến các cơ sở y tế để điều trị nhưng không theo đúng chỉ định của BS, tự ý bỏ về nhà, đến khi bệnh diễn biến nặng sẽ khó cứu chữa, ngoài ra việc họ về nhà khi vẫn còn mang mầm bệnh sẽ trở thành nguồn lây lớn cho cộng đồng. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng cao số ca mắc bệnh SXH và tử vong. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, lực lượng được phân công phun hóa chất xử lý bọ gậy chưa nhiệt tình, mang tính vận động là chủ yếu, chưa có những hành động cụ thể. Vì vậy, tại những nơi đó dịch SXH vẫn xuất hiện kéo dài, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của toàn tỉnh.

Theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, với tình hình như trên, năm 2013, chiều hướng dịch SXH ở miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

THẢO LY