03:01, 15/01/2013

Thai phụ không nên xem thường

Dây rốn quấn chặt các phần thai có thể gây tình trạng chèn ép, cản trở máu lưu thông từ mẹ đến thai, dẫn đến thai bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, làm thai bị ngạt và có thể tử vong trong bụng mẹ.

Dây rốn quấn chặt các phần thai có thể gây tình trạng chèn ép, cản trở máu lưu thông từ mẹ đến thai, dẫn đến thai bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, làm thai bị ngạt và có thể tử vong trong bụng mẹ.

Chị Nguyễn Ngọc H. (xã Diên An, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) mang thai được 7,5 tháng. Do chủ quan, không thường xuyên đi khám thai định kỳ nên đến tháng thứ 8, nhiều ngày liền, chị thấy thai không cử động. Chị đi khám, siêu âm và phát hiện thai bị chết lưu do dây rốn quấn cổ gây ngạt. Còn chị Trần Như T. (Nha Trang) mang thai 6 tháng, phát hiện dây rốn quấn cổ thai nhi 3 vòng. Nhờ đi khám và được theo dõi thường xuyên nên đến tháng thứ 8, khi thấy thai nhi có hiện tượng ngạt do dây rốn quấn chặt cổ, chị T. được các bác sĩ (BS) Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh chỉ định đẻ mổ sớm để cứu bé. Sau mổ, sức khỏe của bé phát triển tốt...  

Theo BS. Trần Thị Thúy Nga - Khoa Sản BVĐK tỉnh, hầu hết các thai phụ đều rất hoang mang, lo lắng khi biết có hình ảnh dây rốn quấn cổ thai nhi qua siêu âm. Dây rốn là sợi dây kết nối duy nhất giữa mẹ và thai nhi. Đây là đường cung cấp dưỡng khí, chất dinh dưỡng để nuôi sống bào thai. Bình thường, một thai nhi đủ tháng có dây rốn dài khoảng 50 - 60cm. Nếu em bé bị dây rốn quấn thì cũng không có cách nào có thể can thiệp được. Trong trường hợp nếu không nguy hiểm, bác sĩ sẽ vẫn cho sản phụ đẻ thường và phải được theo dõi tim thai thường xuyên.

Hình ảnh dây rốn quấn cổ thai nhi. (Hình minh họa)
Hình ảnh dây rốn quấn cổ thai nhi. (Hình minh họa)

Trên thực tế, rất nhiều thai nhi sinh ngã âm đạo với một hay nhiều vòng dây rốn quấn cổ mà vẫn khóc to, hồng hào. Trong quá trình mang thai, do các cử động xoay trở của thai nằm trong môi trường nước ối bồng bềnh nên rất dễ làm cho dây rốn quấn cổ hoặc có khi dây rốn quấn bụng, tay, chân thai nhi. Nếu dây rốn quấn chặt các phần thai có thể gây tình trạng chèn ép, cản trở máu lưu thông từ mẹ đến thai, dẫn đến thai bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Hậu quả là thai bị ngạt và có thể tử vong trong bụng mẹ (gọi là thai chết lưu). Để tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc, khi thai khoảng 7 tháng trở lên, người mẹ cần có kế hoạch theo dõi cử động thai từ 2 đến 3 lần mỗi ngày (thường sau mỗi bữa ăn trong thời gian 60 phút). Trung bình sẽ có khoảng 4 hoặc nhiều hơn cử động thai trong thời gian theo dõi. Nếu 3 lần theo dõi liên tục thấy có ít hơn 4 cử động thai hoặc thai phụ thấy thai quẫy đạp bất thường thì nên đến ngay cơ sở khám thai để thực hiện các bước kiểm tra tiếp theo.

Hiện tượng chèn ép dây rốn cũng có thể xảy ra trong khi chuyển dạ, làm cho thai phụ có cảm giác đau bụng từng cơn. Đặc biệt, khi các cơn gò tử cung hữu hiệu đẩy đầu thai nhi xuống sâu vào tử cung để thoát ra ngoài có thể làm kéo căng dây rốn và siết chặt cổ thai nhi hơn, gây hiện tượng thiếu oxy và ngạt sơ sinh. Vì vậy, khám và theo dõi thai ở những tháng cuối thai kỳ cần sự phối hợp tốt giữa thai phụ và thầy thuốc sản khoa. Thai phụ được theo dõi sát trong quá trình chuyển dạ sẽ tránh những trường hợp ngạt sơ sinh do dây rốn quấn cổ thai nhi chặt.

Bên cạnh đó, có khoảng 2/3 trường hợp thai phụ siêu âm phát hiện dây rốn quấn cổ nhưng trong quá trình khám và theo dõi không thấy có hiện tượng chèn ép dây rốn. Những trường hợp này, khi đẻ cũng sẽ tiến triển bình thường và thai nhi không bị ngạt. Do đó, các thai phụ khi siêu âm thấy dây rốn quấn cổ thai nhi không nên lo quá lắng mà cần liên hệ với các phòng khám thai để được tư vấn và theo dõi kỹ hơn; không nhất thiết phải mổ lấy thai khi phát hiện có hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi, vì như thế sẽ để lại sẹo mổ trên bụng và có nhiều nguy cơ kèm theo do phẫu thuật gây ra.

THẢO LY