06:12, 25/12/2012

Không lơ là, chủ quan với dịch heo tai xanh

Chỉ sau hơn 2 tháng (kể cả thời gian theo dõi 21 ngày), tỉnh Khánh Hòa đã khống chế được dịch heo tai xanh

Chỉ sau hơn 2 tháng (kể cả thời gian theo dõi 21 ngày), tỉnh Khánh Hòa đã khống chế được dịch heo tai xanh (DHTX). Đây là kết quả khả quan nhất trong công tác phòng, chống DHTX từ trước tới nay. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ (Ths-Bs) Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

- Vừa qua, tỉnh đã công bố hết DHTX. Theo ông, đâu là giải pháp mang lại kết quả này? 

- Công tác phòng, chống DHTX có được kết quả khả quan là nhờ tổng hòa nhiều giải pháp đúc kết được trong thời gian qua, từ các giải pháp kỹ thuật, tài chính đến con người. Cụ thể: Thời gian trước khi xuất hiện DHTX, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin dịch tả đạt kết quả cao cho đàn heo trên địa bàn thông qua các chương trình: khuyến nông miền núi cho 49 xã, tiêm phòng dịch tả ở 77 xã đồng bằng và tiêm phòng dịch tả (do hộ tự tiêm phòng). Tổng cộng có hơn 120 ngàn con heo được tiêm phòng vắc-xin dịch tả. Đây cũng là năm huy động cao nhất lượng hóa chất phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng. Tính từ đầu năm đến nay có hơn 10.000 lít hóa chất phòng, chống dịch được cung cấp cho các địa phương để phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng môi trường.

Có thể thấy, công tác phòng, chống dịch được sự quan tâm của các cấp, ngành. Đặc biệt, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải quyết tình hình tài chính, mua sắm vật tư, hóa chất, vắc-xin phòng, chống dịch... Ban chỉ đạo các địa phương thường xuyên tổ chức giao ban phòng, chống dịch; chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt công tác giám sát, tiêu hủy, lấy mẫu xét nghiệm... Thời gian xét nghiệm được rút ngắn trong vòng 24 giờ đã giúp cho việc ra quyết định tiêu hủy heo bệnh kịp thời. Điều đáng nói, năm nay, tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh heo tai xanh vào vùng có nguy cơ bùng phát dịch nên đã giúp rút ngắn thời gian khống chế dịch... Đơn giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy được điều chỉnh kịp thời, phù hợp nên người dân hợp tác chống dịch...

- Ngành Thú y cần tăng cường những biện pháp gì để phòng dịch và khuyến cáo người chăn nuôi tránh dịch tái phát, thưa ông?

- Công tác phòng, chống dịch không thể lơ là, chủ quan, ngay khi tình hình đã ổn định. Ngành Thú y chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở tiếp tục thực hiện việc giám sát dịch bệnh tại nông hộ, trang trại nhằm phát hiện kịp thời các ổ dịch có thể bùng phát, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân nhận thức về các dịch, bệnh nguy hiểm để chủ động phòng, chống. Về lực lượng, hiện nay, đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm về chất lượng và số lượng, đủ điều kiện triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch. Chi cục Thú y chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức vệ sinh tiêu độc tại những nơi có nguy cơ cao (điểm buôn bán, giết mổ, chuồng trại...), đồng thời tiếp nhận của Trung ương 10.000 lít hóa chất để chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Công tác kiểm dịch được tăng cường, bao gồm: kiểm soát giết mổ, vận chuyển và kiểm soát con giống.

Ngành Thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên chủ động trong công tác phòng, chống dịch; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêu độc, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao thể trạng vật nuôi, tổ chức tiêm phòng đầy đủ. Những hộ tái đàn được lấy con giống từ nông hộ trên địa bàn cần thực hiện tốt việc tiêm phòng nhằm tránh dịch bệnh tái phát. 

- Xin cảm ơn ông!

QUANG VIÊN (Thực hiện)