10:11, 01/11/2012

Phòng, chống bệnh tăng huyết áp

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố quan trọng liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.

 

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố quan trọng liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu (chiếm 12,7%), cao hơn các nguyên nhân khác như sử dụng thuốc lá (8,7%) hay tăng đường máu (5,8%). Tần suất tăng huyết áp nói chung trên thế giới là khoảng 41% ở các nước phát triển và 32% ở các nước đang phát triển. Hiện nay, tình trạng tăng huyết áp ở Việt Nam ngày càng gia tăng, trở thành một căn bệnh phổ biến và là gánh nặng cho toàn xã hội. Tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp hiện nay ở Việt Nam khoảng 25% ở người trưởng thành (khoảng 10 triệu người). Tại Khánh Hòa, vừa qua Trung tâm Nội tiết tỉnh đã khám sàng lọc tại 16 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, phát hiện 8.653 người tăng huyết áp.

Tăng huyết áp được định nghĩa là sự tăng kéo dài của huyết áp tâm thu (≥ 140mmHg), hoặc huyết áp tâm trương (≥ 90mmHg). Bệnh tiến triển mãn tính, tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, não, thận, mạch máu gây nhiều biến chứng và tai biến nguy hiểm. Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số biến chứng chính của tăng huyết áp: gây bệnh mạch vành như thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim; gây xuất huyết não, nhũn não, thiếu máu não, bệnh não do tăng huyết áp; làm hư màng lọc của các tế bào thận, làm bệnh nhân tiểu ra protein, phù, suy thận; gây xuất huyết võng mạc, làm giảm thị lực, có thể dẫn đến mù lòa; làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người, các bệnh động mạch ngoại vi...

Bệnh tăng huyết áp có thể kiểm soát được, người bệnh cần thực hiện các nguyên tắc về chế độ ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc như: Khám định kỳ 1 - 2 lần/tuần hoặc theo dõi huyết áp hàng ngày, tùy theo mức độ bệnh. Bệnh nhân tăng huyết áp phải có trọng lượng thích hợp, tránh quá cân, béo phì. Người bệnh tăng huyết áp nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo. Ngoài ra, người tăng huyết áp cần giảm lượng muối, mỗi người chỉ cần 2 - 6g muối/ngày. Thuốc lá không chỉ làm tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ mà còn là một tác nhân nguy hiểm gây ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Vì vậy, bỏ thuốc lá là yêu cầu đối với mọi người. Đối với lượng rượu tiêu thụ hàng ngày, nam không quá 30ml rượu hoặc 360ml bia (tức là 1 lon bia); nữ và những người nhẹ cân dùng 1/2 lượng trên. Tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp giảm huyết áp, giảm cân, giảm lượng mỡ trong máu, tăng cường hô hấp. Nên bắt đầu từ từ rồi tăng dần khối lượng, quan trọng là tạo thói quen tập đều đặn. Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội... đều có ích. Tập khoảng 30 - 60 phút mỗi lần, ít nhất 4 ngày trong tuần, ngừng tập khi thấy mệt. Cần có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ đủ 7, 8 tiếng mỗi ngày, tránh thức khuya, dậy sớm. Tuân thủ điều trị các bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid... nếu mắc các bệnh này. Người bệnh phải uống thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc dù cảm thấy khỏe mạnh. Khi huyết áp < 140/90 mmHg vẫn phải tiếp tục dùng thuốc để duy trì mức huyết áp này.

THU TRINH
(Trung tâm TTGDSK Khánh Hòa)