06:11, 17/11/2012

Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng

Trước diễn biến của bệnh tay, chân, miệng, ngành Giáo dục TP. Nha Trang đã chủ động chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn thực hiện những biện pháp cần thiết để phòng, chống bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan.

Trước diễn biến của bệnh tay, chân, miệng (TCM), ngành Giáo dục TP. Nha Trang đã chủ động chỉ đạo các trường mầm non (MN) trên địa bàn thực hiện những biện pháp cần thiết để phòng, chống bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan.

Không có chuyện Trường Mầm non 8-3 cố tình che giấu bệnh

Những ngày qua, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng về thông tin tại Trường MN 8-3 (TP. Nha Trang) có trẻ bị bệnh TCM nhưng nhà trường cố tình che giấu và yêu cầu phụ huynh không được tiết lộ con em mình học ở trường này để không ảnh hưởng đến hoạt động của trường. Tìm hiểu về vấn đề trên, sáng 14-11, chúng tôi đã đến Trường MN 8-3 và thấy các hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường. Bà Lê Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường MN 8-3 cho biết, trường hợp bị bệnh TCM là bé N.K học lớp Bé B. Bé K. phát bệnh vào đầu tháng 11, khi các cô giáo thấy bé có triệu chứng thân nhiệt tăng cao đã đề nghị gia đình cho bé ở nhà để theo dõi. Một ngày sau bé phát bệnh và đã được bố mẹ đưa đi bệnh viện điều trị. “Bé N.K. phát bệnh ở gia đình, khi biết bé bệnh chúng tôi đã đề nghị phụ huynh cho bé ở nhà điều trị và không đến lớp để tránh ảnh hưởng đến các bé khác. Gia đình bé cũng đã có đơn xin cho bé nghỉ học trong thời gian điều trị. Không có chuyện chúng tôi yêu cầu phụ huynh phải giấu thông tin bé học ở trường chúng tôi. Bởi thực tế vấn đề dịch bệnh là do ngoại cảnh, không ảnh hưởng đến thi đua của trường nên không việc gì phải giấu. Chúng tôi chỉ muốn hạn chế tối đa sự tác động của bệnh đến các bé khác nên đã chủ động đề nghị phụ huynh cho bé ở nhà”, bà Lê Thị Hương nói.

 Học sinh lớp Bé B, Trường Mầm non 8-3 vẫn đến lớp bình thường.
  Học sinh lớp Bé B, Trường Mầm non 8-3 vẫn đến lớp bình thường. 

Khi chúng tôi đến lớp Bé B, lớp học vẫn diễn ra bình thường, số học sinh có mặt tại lớp là 32/33 cháu. Theo bà Mai Thị Yến - nhân viên y tế của trường, để phòng, chống bệnh TCM, nhà trường đã thực hiện định kỳ việc khử trùng các vật dụng, đồ chơi của học sinh bằng Chloramin B; thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng; mỗi sáng học sinh đến lớp, các cô đều kiểm tra từng cháu xem có dấu hiệu của bệnh TCM hay không… Đến thời điểm này, nhà trường chưa có thêm cháu nào mắc bệnh TCM.

Các trường chủ động trong việc phòng, chống bệnh

Việc chủ động phòng, chống bệnh TCM không chỉ được thực hiện ở Trường MN 8-3, mà đến một số trường MN khác trên địa bàn TP. Nha Trang, chúng tôi đều thấy công việc này được thực hiện khá chu đáo. Đồ dùng cá nhân, đồ chơi, lớp học đều được các trường khử trùng, vệ sinh sạch sẽ theo quy trình.

Các em học sinh thường xuyên được các cô rửa tay, chân bằng xà phòng diệt khuẩn. Nhà trường cũng thường xuyên liên hệ với phụ huynh để phổ biến những vấn đề liên quan đến bệnh TCM. Bà Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường MN Lý Tự Trọng cho biết: “Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, nhà trường luôn nêu cao ý thức trong mỗi cán bộ, giáo viên, thường xuyên kiểm tra học sinh trước mỗi buổi học. Nhà trường còn dán thông báo về bệnh TCM, biện pháp phòng bệnh ở mỗi lớp, bảng thông báo để giáo viên, phụ huynh biết để phòng tránh”.

Với mục tiêu phòng bệnh tích cực, chủ động, coi việc phòng, chống dịch bệnh là trách nhiệm của các ban giám hiệu, đoàn thể và của mọi người, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh chủ động phòng ngừa bệnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2012. Với những biện pháp tích cực đó, đến thời điểm này, tại các trường MN trên địa bàn TP. Nha Trang chưa xảy ra tình trạng lây lan bệnh TCM.

N.Tâm

Theo ông Trần Nguyên Lập - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, thực hiện việc phòng, chống bệnh TCM, phòng đã mở lớp tập huấn cho giáo viên các trường MN công lập, tư thục trên địa bàn thành phố, đặc biệt chú ý hướng dẫn các nhóm trẻ gia đình cách sử dụng Chloramin B, cách khử khuẩn nhà cửa, đồ chơi, vật dụng cá nhân… Các trường treo áp phích, phát tờ rơi và thông báo số điện thoại nóng để giáo viên, phụ huynh dễ dàng được tư vấn, đồng thời chủ động thông báo tình hình sức khỏe đến cơ quan y tế.