09:11, 22/11/2012

Bệnh phong - Những điều cần biết

Trên thế giới có từ 10 - 20 triệu người mắc bệnh phong. Bệnh phong phổ biến ở các nước nhiệt đới, ở nhiều nước, tỷ lệ mắc bệnh lên đến 1 - 2% dân số.

Trên thế giới có từ 10 - 20 triệu người mắc bệnh phong. Bệnh phong phổ biến ở các nước nhiệt đới, ở nhiều nước, tỷ lệ mắc bệnh lên đến 1 - 2% dân số.

Bệnh phong có thể có ở bất kỳ lứa tuổi nào; ở tuổi trưởng thành, nam giới mắc bệnh gấp đôi so với nữ giới. Những bệnh nhân phong không điều trị có nguy cơ truyền bệnh cho những người tiếp xúc gần gũi. Vị trí xâm nhập lây bệnh của bệnh phong được cho là qua da hay niêm mạc của đường hô hấp trên, đặc biệt là niêm mạc mũi của những bệnh nhân u phong không điều trị. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 5 năm, nhưng cũng có trường hợp đặc biệt chỉ trong 6 tháng, hoặc ngược lại, đến vài chục năm.

Biểu hiện bệnh ở giai đoạn sớm thường là ở da. Một hay nhiều vết giảm sắc tố hoặc các mảng có thể nhìn thấy. Thường thì một vết đốm vô cảm hay dị cảm là triệu chứng đầu tiên mà người bệnh nhận thấy. Những đốm giảm cảm giác này có thể tự mất trong 1 hoặc 2 năm. Ở bệnh phong dạng củ, giai đoạn sớm thường được biểu lộ bằng một vết đốm vô cảm. Về sau, các tổn thương này rộng hơn và các rìa được nâng cao, có hình vòng hay xoắn. Những tổn thương phát triển đầy đủ thì vô cảm rất nặng và mất các cơ quan bình thường của da như tuyến mồ hôi, các nang lông. Khi có tổn thương viêm dây thần kinh, có thể dẫn tới teo cơ, đặc biệt các cơ nhỏ của bàn tay. Co cứng tay và chân hay xảy ra. Khi có chấn thương do bỏng, do bị đè ép quá mức sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn, có thể gây loét như ở gan bàn chân. Sau đó, có thể xảy ra sự tiêu và mất các đốt ngón. Đối với dạng u phong là những tổn thương da có vết, những cục u nhỏ, các mảng hay các nốt sần. Các vết thường giảm sắc tố. Bờ của các tổn thương không rõ và tâm của các tổn thương bị cứng và lồi. Dạng này thường xảy ra ở má, mũi, trán, tai, cổ tay, khuỷu tay, mông và gối. Mũi bị nghẹt, chảy máu cam và ngạt thở thường là những triệu chứng đầu tiên. Tắc mũi, viêm thanh quản và giọng khàn cũng thường xảy ra. Bệnh phong có thể là nguyên nhân thông thường nhất làm tàn phế đôi tay. Chấn thương và nhiễm khuẩn mạn tính thứ phát có thể dẫn tới làm mất các ngón hay các chi. Mù cũng là biến chứng thường gặp.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành phố có nhiều bệnh nhân phong trong cả nước. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực trong công tác phòng, chống phong, cuối năm 2011, Khánh Hòa đã được Bộ Y tế công nhận là tỉnh đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh và đạt loại xuất sắc với 4 tiêu chuẩn: Trong 3 năm liền, tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân; tỷ lệ phát hiện người bệnh phong mới dưới 1/100.000 dân; tỷ lệ người bệnh phong mới được phát hiện bị tàn tật độ II dưới 15%;  kiểm tra ngẫu nhiên 20% cán bộ xã, cán bộ y tế và học sinh trung học cơ sở tại xã, 100% số người được kiểm tra đều trả lời đúng các câu hỏi cơ bản trong nội dung tuyên truyền về bệnh phong.

Để đạt được thành quả đó, ngành Y tế Khánh Hòa đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trong công tác phòng, chống bệnh phong. Đó còn là sự phối hợp và chỉ đạo của các cơ quản Đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ban ngành, sự chỉ đạo sát sao của Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, sự giúp đỡ hợp tác quốc tế các tổ chức chống phong của Bỉ, Hà Lan, Đức.

Để tiếp tục duy trì thành quả đó, Sở Y tế Khánh Hòa, Bệnh viện Da liễu tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị, phát triển hoạt động chăm sóc điều trị bệnh phong; triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh phong trên toàn tỉnh; giám sát thường xuyên tại tuyến xã, phường và giúp đỡ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân phong nghèo thông qua các quỹ tín dụng nhỏ.

Bác sĩ TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)