09:09, 10/09/2012

Viêm não cấp - Bệnh dễ gây tử vong

Viêm não cấp là một loại bệnh lý rất nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm não cấp (VNC) là một loại bệnh lý rất nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh có diễn biến nhanh

Cháu N.T.M.H (7 tuổi, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng sốt cao, ói mửa, có dấu hiệu hôn mê, được chẩn đoán bị VNC. Sau gần nửa tháng điều trị tích cực, bệnh nhân (BN) khỏi bệnh. Chị N.M.L - mẹ của BN cho biết, trước đó 2 ngày, cháu bị sốt liên tục, có khi lên tới 40°C. Do cứ tưởng cháu bị cảm sốt thông thường nên gia đình tự mua thuốc cho cháu uống. Hôm sau, thấy cháu lừ đừ, kêu nhức đầu, có dấu hiệu hôn mê nên gia đình đưa cháu vào BVĐK tỉnh. Các bác sĩ cho biết diễn biến của bệnh này rất nhanh, may mà gia đình đưa cháu đến BV kịp thời, nếu trễ sẽ khó giữ được tính mạng cho cháu hoặc nếu chữa hết bệnh cũng để lại di chứng về thần kinh... Trường hợp khác, cháu L.T. P (8 tuổi, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) bị VNC và đã được điều trị khỏi. Theo bệnh án, cháu L.T.P vào BVĐK tỉnh trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy, co giật, dẫn đến lờ đờ. Cháu được chẩn đoán là VNC do virut viêm não Nhật Bản gây nên. Ba của cháu, anh L.H.B cho biết, buổi sáng cháu vẫn khỏe mạnh, đi học bình thường. Khi đi học về, cháu kêu nhức đầu. Gia đình có mua thuốc cho cháu uống. Đến tối, thấy cháu sốt cao, lên cơn co giật và ói mửa nên gia đình đưa cháu vào BV, qua thăm khám của bác sĩ mới biết cháu bị VNC...

Bệnh viêm não cấp diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. (ảnh minh họa)

Bệnh viêm não cấp diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. (ảnh minh họa)

Thường gặp ở trẻ em

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy - Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, bệnh VNC thường gặp ở trẻ em (hơn 90%), là tình trạng viêm cấp tính não bộ, nguyên nhân do một số loại virus gây ra như: virus viêm não Nhật Bản, các virus đường ruột, virus thủy đậu, quai bị... Virus có thể xâm nhập não bộ qua đường máu (do muỗi chích), đường tiêu hóa (do virus đường ruột) hoặc qua đường hô hấp rồi gây ra VNC. Viêm não do virus viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi một loại siêu vi trùng thuộc nhóm Arbovirus có ái tính với tế bào thần kinh, có tên là virus viêm não Nhật Bản. Virus gây viêm não Nhật Bản được truyền sang người từ heo, chim có mang mầm bệnh với trung gian truyền bệnh là muỗi. Muỗi Culex tritaeniorhynchus hút máu heo hoặc chim có chứa virus, sau đó chích người và truyền virus gây bệnh cho người. Viêm não Nhật Bản thường xảy ra ở trẻ từ 5 tuổi trở lên. Đa số trẻ mắc bệnh sống ở vùng nông thôn, nơi có nuôi heo và trồng lúa. Người được xem như là vật chủ cuối cùng đối với virus này vì chúng tồn tại trong máu người trong một thời gian ngắn với nồng độ thấp, nên không thể lây bệnh từ người này sang người khác qua muỗi đốt. Còn viêm não do virus đường ruột (Enterovirus) là tình trạng viêm não bộ do Enterovirus, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, ở cả thành thị và nông thôn. Virus xâm nhập não từ đường tiêu hóa do BN ăn phải thức ăn, thức uống có chứa virus gây bệnh hoặc từ đường hô hấp. Từ đó, virus nhân lên nhanh chóng trong đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp của BN. Nó có thể tồn tại ở hầu họng BN trong vòng 1 tuần. Ngoài ra, một số siêu vi khác cũng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm não với tỷ lệ thấp hơn như: Nhóm virus herpes type 1 (được viết tắt là HSV-1) là tác nhân quan trọng gây viêm não cho cả trẻ em lẫn người lớn, virus herpes type 2 (HSV-2) chủ yếu gây viêm não nặng ở trẻ sơ sinh (nguyên nhân do lây từ mẹ sang con), virus gây bệnh thủy đậu, virus gây bệnh quai bị, virus Cytomegalovirus, virus gây bệnh dại. Triệu chứng của viêm não do virus đường ruột hay viêm não Nhật Bản thường giống nhau, nhưng viêm não do virus đường ruột thường diễn biến rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Trẻ bị VNC thường khởi bệnh đột ngột với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, ói mửa, lừ đừ, bỏ ăn; đôi khi có thể kèm theo ho, tiêu chảy. Sau 1 - 2 ngày xuất hiện co giật, hôn mê và có thể tử vong rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời (trong vòng 3 ngày hoặc có trường hợp chỉ trong vòng 6 giờ kể từ khi nhập viện).

Đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo, biểu hiện của bệnh VNC khá giống với các bệnh sốt khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh thường chủ quan tự điều trị tại nhà. Đây là điều không nên vì có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ sốt cao, ói mửa, đau đầu, đặc biệt là khi có sự thay đổi tri giác như: trẻ ngủ nhiều, hoảng hốt, bứt rứt, co giật, hôn mê... nên đưa ngay trẻ đến BV. Để phòng ngừa bệnh VNC, mọi người nên diệt muỗi, ngủ màn, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tốt nhất nên giữ cho trẻ không bị cảm cúm trong giai đoạn chuyển mùa. Khi trẻ mắc bệnh phải chăm sóc kỹ như: giữ ấm, uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng (chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn thức ăn dễ tiêu)...

Hiện nay, Việt Nam chỉ có vacxin chủng ngừa viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Điều cần lưu ý là chủng ngừa viêm não Nhật Bản chỉ có thể ngừa được viêm não Nhật Bản chứ không thể ngừa được các thể viêm não do những siêu vi khác gây ra.

THẢO LY