Năm qua, toàn ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tốt công tác dự phòng, khám chữa bệnh, chương trình mục tiêu quốc gia...; hoàn thành và đạt vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Qua đó, góp phần nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu
Đầu tháng 8-2024, với sự chuyển giao kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc từ Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh đã thực hiện thành công phương pháp đốt sóng cao tần điều trị bướu tuyến giáp. Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, mới được triển khai ở một số bệnh viện tuyến Trung ương. Chị Lê Thị Thu Qua (30 tuổi, thị xã Ninh Hòa) - bệnh nhân được điều trị thành công từ phương pháp này cho biết: “Ban đầu tôi cũng hơi lo lắng, nhưng khi được tư vấn và điều trị trực tiếp, tôi khá bất ngờ vì phương pháp này chỉ mất có 45 phút. Sau điều trị, các triệu chứng khó nuốt, nuốt vướng, có cảm giác tắc nghẹn trước đó đã hết. Tôi rất mừng khi tại tỉnh đã triển khai được phương pháp tuyến trên, nên không tôi phải vào TP. Hồ Chí Minh điều trị, tốn nhiều chi phí”.
Thực hiện ca phẫu thuật dị tật bẩm sinh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Nhiều năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận thành công các kỹ thuật tuyến trên điều trị chuyên sâu về các bệnh lý chi trên, chi dưới, viêm gân; can thiệp tim bẩm sinh; các bệnh lý dị tật bẩm sinh hệ vận động, di chứng chấn thương bỏng, gãy xương trẻ em; kỹ thuật cắt đốt điện sinh lý; điều trị sỏi đường mật trong và ngoài gan… Năm 2024, thực hiện đề án chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện về hồi sức cấp cứu nhi; điện châm trong bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên; hướng dẫn đọc CT-Scanner; thực hành chụp x-quang… Đặc biệt, tháng 11-2024, bệnh viện hợp tác chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh nhân gãy xương chậu bằng công nghệ in 3D cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Đây là một trong những phương pháp tiên tiến, hỗ trợ bác sĩ có phương án phẫu thuật đúng và chính xác nhất.
Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu
Cùng với việc tiếp nhận và triển khai thành công các kỹ thuật điều trị tiên tiến, năm 2024, toàn ngành Y tế tỉnh đã thực hiện tốt công tác dự phòng, khám chữa bệnh, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Theo đó, toàn ngành đã khám bệnh cho hơn 2,7 triệu lượt người (tăng 3,7% so với năm trước), điều trị nội trú hơn 226.740 lượt (tăng 6,9%), thực hiện 31.030 ca phẫu thuật. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; các bệnh không lây nhiễm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; chương trình tiêm chủng mở rộng… Đặc biệt, công tác chuyển đổi số của ngành được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, có 2 bệnh viện triển khai thí điểm bệnh án điện tử; 7 bệnh viện đã đưa kiosk đăng ký khám bệnh thông minh vào hoạt động; 100% cơ sở đã trang bị phần mềm HIS để phục vụ quản lý y tế điều trị và thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Đồng thời, các cơ sở y tế đã trang bị ít nhất 3 phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận thu phí; trang bị máy đọc thẻ căn cước công dân thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế. Trong năm, có tổng số 180 cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân bằng căn cước công dân với hơn 2,8 triệu lượt tra cứu, trong đó có 2,5 triệu lượt thành công…
Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tầm soát bệnh bướu cổ cho học sinh. |
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn vướng mắc, chưa đồng bộ về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế… khiến các cơ sở y tế công lập khó chủ động được nguồn lực tài chính để tái đầu tư phát triển. “Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới tính hai yếu tố là chi phí trực tiếp, phụ cấp và tiền lương, chưa tính các yếu tố chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định, chi phí khác, mức tích lũy hoặc mức lợi nhuận dự kiến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nguồn thu ở đơn vị”, bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ. Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, dù dịch bệnh được khống chế, tuy nhiên hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại nếu các địa phương chủ quan, lơ là. Lãnh đạo các đơn vị y tế kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Riêng Bộ Y tế cần sớm xây dựng phần mềm, hệ thống quản lý các lĩnh vực y tế chung trên toàn quốc cho các đơn vị của ngành cùng sử dụng, tránh trường hợp 1 đơn vị phải sử dụng nhiều phần mềm, hệ thống chồng chéo như hiện nay.
Năm 2025, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động…
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin