Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mới đây, Bộ Y tế nhận định, 11 tháng năm 2024, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, bùng phát, các tác nhân gây bệnh liên tục xuất hiện... Tỉnh Khánh Hòa cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự nếu không có sự chung tay phòng bệnh từ cộng đồng.
Bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết (SXH) ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Các bệnh có vắc xin phòng bệnh cũng gia tăng ca mắc trên thế giới, khu vực cũng như tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, 11 tháng năm 2024, tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước cơ bản vẫn được kiểm soát; số ca mắc, tử vong do các bệnh SXH, tay chân miệng, cúm mùa giảm so với cùng kỳ năm trước; bệnh dại và các bệnh dự phòng bằng vắc xin có số ca mắc tăng cao. Cả nước ghi nhận hơn 125.940 trường hợp mắc SXH, 20 ca tử vong; hơn 72.450 trường hợp mắc tay chân miệng; gần 20.470 trường hợp nghi sởi, trong đó 4.918 trường hợp dương tính và 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; bệnh ho gà ghi nhận hơn 1.050 ca, 1 ca tử vong; 11 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, có 2 ca tử vong; có 78 trường hợp tử vong do bệnh dại…
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khám cho bệnh nhân mắc sởi. |
Riêng tại Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 18 bệnh truyền nhiễm, có 2 ca tử vong (1 ca do cúm A/H5N1 và 1 ca do SXH). Một số bệnh năm 2023 không ghi nhận ca mắc nào thì năm nay đã có bệnh nhân mắc bệnh như: Sởi 159 ca, viêm não Nhật Bản 1 ca, ho gà 1 ca… Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành hàng năm như: SXH, tay chân miệng, sốt rét diễn biến thất thường. Cụ thể, bệnh tay chân miệng ghi nhận hơn 1.880 ca mắc (giảm 59,7% so với cùng kỳ năm trước), phát hiện 67 ổ dịch, trong đó có 20 ổ dịch ở trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; SXH có gần 3.530 ca (tăng 10,9%), phát hiện và xử lý 172 ổ dịch; sốt rét ghi nhận 192 ca (tăng 28 ca so với cùng kỳ), không có trường hợp tử vong do sốt rét…
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, tại Việt Nam, hiện nay nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, cùng với diễn biến thay đổi bất thường của thời tiết là điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian tới. Để phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; tổ chức triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2024; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn; triển khai các đợt cao điểm truyền thông; huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là vắc xin, sinh phẩm… Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng…
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường công tác giám sát các ca bệnh truyền nhiễm; phối hợp điều tra xử lý ổ dịch triệt để, không để lan rộng kéo dài; đẩy mạnh công tác truyền thông. Đối với bệnh SXH, sẽ tiến hành diệt lăng quăng hằng tuần, 2 tuần/lần tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; khuyến cáo các phòng khám tư nhân lưu ý bệnh nhân SXH trong mùa dịch, chuyển bệnh viện kịp thời để hạn chế bệnh nặng, nguy cơ tử vong. Đồng thời, tăng cường tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ trong độ tuổi và hoàn thành đạt trên 95% khi nhận được vắc xin phân bổ từ Bộ Y tế; tổ chức tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm theo quy định và tiêm vét cho các đối tượng hoãn tiêm…
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin