00:27, 31/12/2024

Nỗ lực kiềm chế số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng 

C.ĐAN

Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 4.340 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 25% so với năm ngoái. Dự báo, tình hình bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong giai đoạn cao điểm của mùa dịch. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngành Y tế đang khẩn trương triển khai các giải pháp phòng bệnh, không để gia tăng số ca mắc.

Số ca mắc tăng

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa những ngày này luôn trong tình trạng quá tải điều trị các ca mắc SXH. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 15 đến 20 ca mắc SXH, tăng gấp đôi so với các thời điểm khác trong năm. Để đảm bảo bệnh nhân có giường nằm điều trị, gần 2 tháng nay, bệnh viện phải bố trí thêm 20 giường bệnh ở khu vực hành lang.

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 770 ca mắc SXH, trong đó có 53 ca nặng, 146 ca cảnh báo và buộc chuyển tuyến 32 ca. Nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm được 2 ngày, bệnh nhân Nguyễn Trường Thịnh (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Tôi bị sốt đến ngày thứ 3 thì vào bệnh viện điều trị. Vào đây tôi mới biết mình bị SXH. Trước đó, ở nhà thấy mệt, tôi tự mua thuốc ở nhà thuốc uống nhưng không đỡ nên mới nhập viện”. Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Quý Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa cho biết: “Từ tháng 10 đến nay, số ca mắc SXH vào điều trị tại bệnh viện tăng cao. Đa số các ca nhập viện trong tình trạng sốt ngày thứ 3 hoặc thứ 4. Đây là những ngày nằm trong giai đoạn nguy hiểm, với các triệu chứng diễn biến nặng”.

Thị xã Ninh Hòa đang là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất với hơn 1.460 ca, chiếm gần 34% số ca mắc toàn tỉnh. Bên cạnh các biện pháp diệt lăng quăng, truyền thông, giám sát ca bệnh…, thị xã còn triển khai các đợt phun hóa chất diệt muỗi chủ động, trong đó tập trung ở các địa bàn có dân cư đông. Riêng trong tháng 12, thị xã đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động  tại 10 xã, phường đang có số ca mắc SXH cao.

Cùng với thị xã Ninh Hòa, các địa phương có số ca mắc SXH cao gồm: TP. Nha Trang hơn 790 ca; huyện Diên Khánh hơn 530 ca; huyện Khánh Sơn hơn 460 ca. Toàn tỉnh phát hiện 222 ổ dịch, trong đó đã xử lý 179 ổ dịch, còn 43 ổ dịch vẫn đang giám sát. Năm nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong do SXH (TP. Nha Trang và huyện Vạn Ninh). Điều đáng báo động là trước khi vào bệnh viện điều trị, cả 2 trường hợp trên đều tự mua thuốc uống điều trị tại nhà. Việc tự ý điều trị dễ dẫn đến bệnh nhân không sử dụng đúng các loại thuốc trong điều trị SXH nên khi vào bệnh viện điều trị, bệnh nhân đã có các triệu chứng nặng.

Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết

Mặc dù ngành Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống bệnh SXH ngay từ đầu năm song dịch SXH đang gia tăng trong bối cảnh chung trên thế giới và Việt Nam. SXH là một trong những dịch bệnh do véc tơ truyền bệnh có xu hướng lây lan nhanh và trở thành vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu và hiện chưa có quốc gia nào khống chế thành công.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa phải bố trí thêm giường bệnh ở khu vực hành lang cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa phải bố trí thêm giường bệnh ở khu vực hành lang cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị.

Bên cạnh đó, vắc xin phòng bệnh chưa được Bộ Y tế đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống có những khó khăn nhất định. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh lưu hành nhiều tuýp vi rút Dengue dễ làm gia tăng số ca mắc SXH. Thời tiết nắng, mưa thất thường như hiện nay gây khó khăn cho việc diệt lăng quăng, làm gián đoạn việc phun hóa chất xử lý dịch, làm tăng nhiều dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Ngoài ra, ở một số địa phương, người dân không hợp tác cùng ngành Y tế khi triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, có nơi tỷ lệ không hợp tác chiếm tới 50% số hộ dân. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Với diễn biến phức tạp của bệnh SXH, sở đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân; quản lý và yêu cầu các phòng khám tư nhân không được điều trị bệnh SXH, phải chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi phát hiện ca bệnh. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh huy động lực lượng triển khai diệt lăng quăng cho hiệu quả”.

Mới đây, kết luận tại cuộc họp về công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh SXH, cố gắng không để tăng thêm số ca mắc; không để dịch bùng phát khi Tết Nguyên đán gần kề, nhất là những địa phương có số ca mắc cao. Đồng chí Đinh Văn Thiệu yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, truyền thông cả trong trường học. Đồng thời, yêu cầu ngành Y tế tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch; tuyên truyền, kiểm tra, giám sát không để các cơ sở y tế tư nhân, các phòng khám nhỏ lẻ điều trị các ca bệnh SXH. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người cấp huyện phải tổ chức các đợt kiểm tra những xã, phường có số ca mắc cao…

Ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là ý thức của người dân và cộng đồng trong việc chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng. Khi nghi ngờ mắc SXH, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

C.ĐAN