21:41, 25/11/2024

Nỗ lực triển khai bệnh án điện tử

C.ĐAN

Bệnh án điện tử là một trong những nội dung quan trọng của công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Y tế. Tại Khánh Hòa, đã có một số bệnh viện, trung tâm y tế triển khai bệnh án điện tử, tạo nhiều thuận lợi cho công tác khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, sự hài lòng của người dân.

Thay thế dần bệnh án giấy

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh thực hiện khám, điều trị ngoại trú cho từ 350 - 400 người, điều trị nội trú cho khoảng 200 người bệnh. Trước đây, việc lưu thông tin bệnh án, làm các thủ tục nhập viện cho bệnh nhân bằng hồ sơ giấy và viết tay thì hiện nay tất cả được xử lý hoàn toàn 100% trên máy tính. Nhờ đó, đội ngũ nhân viên, y, bác sĩ ở trung tâm có thể dành thời gian nhiều hơn cho công tác thăm khám, điều trị bệnh. Cùng với đó, việc theo dõi hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc, phác đồ điều trị thuận lợi hơn, nhanh chóng và chính xác, bởi tất cả thông tin đều được lưu trữ trên hồ sơ bệnh án một cách khoa học. Bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết: “Quá trình làm việc trên phần mềm có rất nhiều tiện ích. Chuyên môn của tôi là khám, chữa bệnh nên việc khám bệnh, kê đơn thuốc trên phần mềm giúp thực hiện nhanh hơn, rút ngắn 2/3 thời gian chờ đợi làm thủ tục của bệnh nhân”.

Y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh nhập dữ liệu bệnh nhân trên hồ sơ bệnh án điện tử. 

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Diệu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh chia sẻ: “Hồ sơ bệnh án điện tử là bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để số hóa ngành Y tế. Trung tâm là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm nên đơn vị đã bố trí, phân bổ nhân lực để thực hiện. Trước đó, trung tâm cũng ứng dụng nhiều phần mềm trong khám, chữa bệnh nên khi thực hiện bệnh án điện tử, đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm không quá bỡ ngỡ”.

Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào việc khám, chữa bệnh như: Bộ giải pháp phần mềm quản lý khám, chữa bệnh; phần mềm quản lý xét nghiệm; phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh; phần mềm ứng dụng phục vụ người dân đăng ký lịch khám online… Đặc biệt, đầu tháng 9, bệnh viện triển khai bệnh án điện tử cho toàn viện và 100% bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện đều có chữ ký số và thực hiện ký số trên toàn bộ hồ sơ bệnh án. Bệnh viện đang trong quá trình thay thế toàn bộ hồ sơ bệnh án giấy bằng dữ liệu điện tử (số hóa).  

Vẫn còn gặp khó

Bệnh án điện tử đem lại sự thay đổi tích cực trong toàn bộ hoạt động quản lý và công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đây cũng là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng cho người dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, việc triển khai bệnh án điện tử cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư cho hệ thống CNTT. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở y tế đang thực hiện tự chủ hoặc tự chủ một phần về kinh phí hoạt động, trong khi đó chi phí CNTT lại chưa được tính vào giá viện phí; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các đơn vị hầu như đã quá cũ hoặc xuống cấp, do đó chưa thể đồng bộ hóa với phần mềm bệnh án điện tử, nếu muốn đồng bộ hóa phải thay mới nhiều trang thiết bị y tế… Đây cũng là bài toán khó cho các đơn vị trong việc đẩy mạnh bệnh án điện tử.

Tại Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, thông tin bệnh nhân khám ngoại trú được quản lý trên bệnh án điện tử. 

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Diệu Hương cho biết: “Cơ sở hạ tầng phục vụ thực hiện bệnh án điện tử của đơn vị vẫn còn thiếu như: Cửa từ, bộ chuyển mạch chuyên dụng, thiết bị tường lửa (FIREWALL) chuyên dụng, phần mềm giám sát trung tâm. Ngoài ra, một số thiết bị y tế của trung tâm đã cũ không thể kết nối được với phần mềm như: Máy điện tim, máy X-Quang. Theo nguyên tắc khi triển khai bệnh án điện tử, mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải có 1 máy tính nhưng do khó khăn về kinh phí nên trung tâm chỉ có thể đầu tư cho mỗi khoa từ 4 - 5 máy tính sử dụng chung cho 16 người”.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Khoa - Giám đốc Sở Y tế cho biết, bên cạnh những khó khăn trên, hiện nay nhiều cơ sở y tế thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho lực lượng này chưa tương xứng, dẫn đến các cơ sở y tế chưa thu hút được người có năng lực để tham mưu và triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có bệnh án điện tử. Chuyển đổi số có thể tạo ra các vấn đề về an ninh thông tin, đặc biệt nếu các hệ thống và dữ liệu không được bảo vệ tốt. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần đảm bảo các giải pháp an ninh thông tin được triển khai để bảo vệ dữ liệu của ngành Y tế.

Tuy còn gặp khó khăn, nhưng hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động của Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) gắn với công tác chuyển đổi số, trong đó ngành chú trọng triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Toàn ngành có 2 đơn vị là Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh đã triển khai và đưa vào vận hành thí điểm. Nằm trong chủ trương được đầu tư Dự án “Hệ thống thông tin quản lý bệnh viện thông minh”, sắp tới, có 2 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang và Bệnh viện Ung bướu tỉnh sẽ tiến tới thực hiện bệnh án điện tử.

C.ĐAN