21:19, 28/11/2024

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12):
Công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn gặp khó

C.ĐAN

Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được ngành Y tế tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp 

Thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh nói chung và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói riêng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động phòng, chống và đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, có gần 790 người nghiện chích ma túy được tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm sạch; 291 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; 320 người điều trị trước phơi nhiễm HIV ít nhất 1 lần. Có gần 1.260 người nhiễm HIV đang tham gia điều trị ARV (thuốc kháng HIV), trong đó số bệnh nhân điều trị ARV có xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ dưới ngưỡng ức chế đạt 156 người; tỷ lệ bệnh nhân đang điều trị ARV hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn đạt gần 95% số người mắc… Song song đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều buổi truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các hội viên, người dân trong cộng đồng. Đồng thời, tổ chức 13 buổi truyền thông nhóm cho hơn 200 đối tượng MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng phương pháp PrEP; phối hợp với gần 10 trường học cấp THCS và THPT tổ chức các buổi truyền thông về dịch bệnh - phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó có lồng ghép nội dung về bệnh HIV cho gần 5.000 học sinh.

Cấp phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Cấp phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Năm 2024, công tác giám sát trọng điểm HIV được triển khai trên 2 nhóm phụ nữ bán dâm và nhóm MSM tại 3 địa phương Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, với tổng số 50 mẫu được lấy. Công tác tư vấn, xét nghiệm HIV cũng được đẩy mạnh với tổng số 40.180 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV, qua đó phát hiện 84 người dương tính với HIV… Ngành Y tế tỉnh còn triển khai thành công mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 3 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Tất cả các trường hợp nêu trên đều được điều trị thuốc ARV kịp thời, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Còn gặp những khó khăn

Tuy đạt được một số kết quả, nhưng theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 11 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 106 người nhiễm HIV mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023 (101 ca); số bệnh nhân AIDS mới là 4 ca, 49 ca tử vong do AIDS. Có tổng số 1.483 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,23% dân số. Toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 88,9%) với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS (chiếm 92,1%). 

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay là xu hướng các ca mắc HIV mới đang chuyển dần từ nhóm gái mại dâm, người nghiện chích ma túy sang nhóm MSM. Do sự kỳ thị của xã hội đối với người đồng giới nên việc tiếp cận để truyền thông, tư vấn các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm đối tượng này còn khó khăn. Mặt khác, do nhiều yếu tố, việc xét nghiệm tải lượng vi rút HIV chi trả qua bảo hiểm y tế vẫn chưa thực hiện được trên địa bàn tỉnh. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm chủ yếu thông qua nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng (CBO) và truyền thông nhóm. Tuy nhiên, các nhóm CBO vừa mới được hỗ trợ kinh phí hoạt động nên mới triển khai việc tiếp cận khách hàng; tỉnh chưa triển khai được các mô hình, sáng kiến mới trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm như PrEP lưu động, telePrEP...”.

Để công tác phòng, chống HIV/ AIDS đạt kết quả tốt hơn, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo về công tác này ở các cấp ủy, chính quyền, nhất là tuyến huyện và tuyến xã, phường; tăng cường phát hiện người nhiễm HIV và kết nối điều trị. Đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, kiểm soát tải lượng vi rút; xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV; truyền thông đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); duy trì tốt hệ thống xét nghiệm khẳng định HIV và triển khai hiệu quả xét nghiệm HIV thông qua hệ thống online; đảm bảo tất cả bệnh nhân nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế...

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12), Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Chủ đề này tương đồng với chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống AIDS do chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra năm 2024: “Take the Rights Path” (Đảm bảo quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe).

C.ĐAN