23:45, 27/10/2024

Điều trị dự phòng PrEP còn khó khăn

C.ĐAN

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV là "vũ khí" tối ưu, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Với sự hỗ trợ của Dự án "Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC)”, nhiều người đã biết và sử dụng PrEP.

"Vũ khí" hạn chế lây nhiễm HIV

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzyme - là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao vi rút mới). Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên đến trên 90% và tiêm chích ma túy 70%. Do đó, hiện nay, PrEP được xem là một trong những “vũ khí” tối ưu trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Đối tượng sử dụng của PrEP là những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV như: Nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người tiêm chích ma túy, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV…

Điều trị PrEP đạt hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV
Điều trị PrEP đạt hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV.

Đưa bạn tình tới Cơ sở 2 của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa để xét nghiệm HIV và tư vấn hướng dẫn sử dụng PrEP, anh N.T.T (27 tuổi, thị xã Ninh Hòa) cho biết, anh nhiễm HIV được 5 năm và có tham gia điều trị ARV nên tải lượng vi rút ở mức an toàn. Khi quan hệ tình dục với bạn tình, anh có sử dụng các biện pháp để đảm bảo không lây nhiễm HIV cho bạn tình. Khi biết tới loại thuốc dự phòng này, anh đưa bạn tình tới đây để bác sĩ tư vấn, hướng dẫn sử dụng.

Là người có xu hướng thích quan hệ tình dục nam với nam, ngay khi biết tới chương trình, anh P.T.K (TP. Nha Trang) đăng ký tham gia. Qua 2 năm điều trị dự phòng, đến nay, kết quả xét nghiệm HIV của anh K. âm tính. Anh K. cho biết: “Sau khi uống PrEP, tôi thấy sức khỏe bình thường, không có tác dụng phụ. Dùng PrEP, tôi thấy an tâm trước nguy cơ lây nhiễm HIV từ bạn tình. Tuy hiệu quả bảo vệ của PrEP rất cao, nhưng theo lời khuyên của bác sĩ, tôi vừa sử dụng PrEP vừa kết hợp sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục để đạt kết quả cao nhất trong phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác”.

Sẽ tiếp tục mở rộng chương trình

Chương trình điều trị PrEP cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV được triển khai ở tỉnh từ đầu năm 2020 với khoảng 50 người tham gia. Qua gần 4 năm triển khai, với tỷ lệ dự phòng đạt hơn 90%, số người tham gia điều trị ngày càng tăng, đến nay có gần 300 người điều trị PrEP. Trong đó, chiếm hơn 70% là nhóm MSM (nam có quan hệ đồng giới), còn lại là nhóm có bạn tình nhiễm HIV, người tiêm chích ma túy, người bán dâm...

Mới đây, tại cuộc họp tổng kết hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trong năm 2024 và xây dựng kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho năm 2025, dưới sự tài trợ của Dự án EPIC (Bộ Y tế), bác sĩ Tôn Thất Toàn khẳng định, chương trình PrEP là một trong những chiến lược then chốt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, mang tính đột phá trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ cao. Tuy nhiên, trong năm 2024, chương trình đã gặp nhiều thách thức trong quá trình triển khai tại tỉnh như: Dịch vụ cung cấp cho bệnh nhân HIV và khách hàng PrEP tại các cơ sở điều trị còn hạn chế; khách hàng PrEP được tiếp cận chủ yếu thông qua các nhóm CBO (nhóm tiếp cận cộng đồng) và truyền thông nhóm nhỏ… Vì thế, hiệu quả tiếp cận và mở rộng dịch vụ PrEP cho cộng đồng chưa cao.

Trong chiến lược quốc gia hướng tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, một trong những mục tiêu quan trọng là đảm bảo vào năm 2025, ít nhất 30% nhóm MSM sử dụng PrEP để phòng ngừa HIV. Để đạt được mục tiêu này, bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, trong thời gian tới, dưới sự hỗ trợ của dự án, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới để giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận của các đối tượng có nguy cơ; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, cung cấp tài liệu và công cụ hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo việc giám sát, đánh giá thường xuyên để kịp thời điều chỉnh các hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế và cộng đồng, giúp tăng cường hiệu quả của chương trình PrEP tại tỉnh…

Thuốc PrEP uống hàng ngày, mỗi ngày 1 viên, có thể uống trước hoặc sau khi ăn. Nếu quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, không được uống quá 2 liều trong một ngày (trong 24 giờ). PrEP không tương tác với đa số các thuốc khác nên an toàn khi uống cùng nhau. Đối với quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Với PrEP hàng ngày, cần sử dụng ít nhất 7 liều (7 ngày) mới có tác dụng tối đa phòng lây nhiễm HIV. Với quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Cần uống ít nhất 21 ngày mới có tác dụng phòng lây nhiễm HIV tối đa.

C.ĐAN