Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, trong 7 tháng năm 2024, 11 tỉnh duyên hải miền Trung ghi nhận gần 3.890 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc bệnh tay chân miệng của khu vực miền Trung giảm 29,7% (năm 2023 có 5 trường hợp tử vong liên quan tới bệnh tay chân miệng).
Số ca mắc giảm
Lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang đề nghị, ngành y tế các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng nói riêng, nhất là trong thời gian bắt đầu vào năm học mới, bởi đỉnh dịch tay chân miệng thường rơi vào tháng 9 và 10 hàng năm.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tại tỉnh Khánh Hòa 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 198 ca mắc tay chân miệng. Số ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 3, cao nhất là tháng 5 với 235 ca, tháng 6 và 7 số ca mắc tay chân miệng khoảng 200 ca/tháng, tháng 8 ghi nhận gần 120 ca. Nguyên nhân ca mắc tay chân miệng tăng cao là do, sau khi kết thúc đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày (vào tháng 2), học sinh bắt đầu quay lại trường học, đây cũng là thời điểm thời tiết giao mùa, khí hậu nóng ẩm, thuận lợi cho vi rút tay chân miệng phát triển, trong đó có chủng vi rút EV71 là chủng độc lực cao.
Khám cho trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. |
8 tháng năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.120 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm gần 53% so với cùng kỳ năm 2023 (gần 2.370 ca). Tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố đều ghi nhận ca bệnh, trong đó, TP. Nha Trang là địa phương có số ca mắc cao nhất với gần 350 ca. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 35 ổ dịch, trong đó có 12 ổ dịch tại trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Về địa phương, TP. Nha Trang ghi nhận 9 ổ dịch, nhiều nhất trong tỉnh. Độ tuổi mắc tay chân miệng tại Khánh Hòa tập trung ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống, trong đó nhóm trẻ từ 13 đến 36 tháng tuổi chiếm 67,2% trên tổng số trường hợp mắc. Các trường hợp mắc tay chân miệng chủ yếu là ở độ 1 và độ 2a (thể nhẹ), có 16 trường hợp là độ 2b (dễ gây các biến chứng); các trường hợp có từ độ 2a trở lên đều được nhập viện theo dõi điều trị.
Cần phòng, chống dịch triệt để
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu trường học không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, bệnh sẽ bùng phát rộng. Nhất là thời điểm độ ẩm không khí cao, gây tụ hơi nước trên sàn, kính, quần áo, đồ dùng… là môi trường thuận lợi cho các loại nấm, vi rút phát triển mạnh; khi đó các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng có điều kiện thuận lợi lây lan nhanh, tăng nguy cơ mắc bệnh. Trẻ nhỏ có thói quen ngậm đồ và chơi chung đồ chơi với nhau nên dễ mắc tay chân miệng. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc và da chủ yếu ở dạng bóng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Để phòng bệnh tay chân miệng, phụ huynh và người chăm trẻ cần cho trẻ ăn uống sạch, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như: Cốc, bát, đĩa, thìa. Nơi ở cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ chú ý không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin