19:57, 27/05/2024

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở

Triển khai tại tỉnh Khánh Hòa từ năm 2022, Dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở để ứng phó đại dịch Covid-19 và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe khác tại Việt Nam” đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhất là tại cộng đồng, góp phần giúp chính quyền, các ban, ngành, trạm y tế ở cơ sở nâng cao năng lực ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Nhiều hoạt động thiết thực

Đầu tháng 5, nằm trong các hoạt động triển khai năm 2024, Dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở để ứng phó đại dịch Covid-19 và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe khác tại Việt Nam” đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho 730 nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên y tế của 9 xã, phường thụ hưởng dự án. Tại các lớp tập huấn, học viên được cập nhật những kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; chương trình tiêm chủng vắc xin, lịch tiêm một số loại vắc xin cơ bản; một số dịch bệnh lưu hành tại địa phương…

Các thí sinh thi thực hành tại hội thi “Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”.

Thực hiện dự án nêu trên, cuối tháng 5, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) tổ chức hội thi “Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” cho cán bộ y tế đang công tác tại 9 trạm y tế có tham gia dự án. Thông qua 4 vòng thi, các đội thể hiện những kiến thức đã được tập huấn và thực hành thực tế về công tác phòng, chống dịch lây nhiễm tại trạm y tế; duy trì các dịch vụ y tế cơ bản trong tình huống có sự kiện y tế khẩn cấp; hỗ trợ điều trị và chuyển tuyến bệnh nhân; truyền thông nguy cơ và các chủ đề về chăm sóc sức khỏe; phòng, chống dịch Covid-19 và dịch bệnh khác.

Ông Dương Đức Trí - Trưởng Trạm Y tế xã Suối Tân, huyện Cam Lâm cho biết, tham gia dự án, lãnh đạo địa phương và cán bộ y tế không chỉ được cập nhật nhiều kiến thức về sự phối hợp liên ngành để giúp tuyến xã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch hiệu quả, mà còn biết cách xây dựng kế hoạch tuyên truyền trước, trong và sau dịch bệnh trên các nền tảng mạng xã hội như: zalo, facebook, tiktok... Những nền tảng dự án xây dựng giúp cho y tế tuyến xã, phường áp dụng rất tốt trong công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, truyền thông tiêm chủng, cơ cấu bệnh tật trên địa bàn… Hiện nay, xã đã thành lập được 9 nhóm zalo cộng đồng, tỷ lệ người tham gia chiếm hơn 70%. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ Trạm Y tế xã nhiều trang thiết bị thiết yếu cho hoạt động truyền thông và điều trị bệnh như: Máy tính, máy in, loa di động, ti vi, nồi hấp tiệt trùng, tủ sấy...

Bà Huỳnh Thị Kim My - Trưởng Trạm Y tế xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa) cho biết, tham gia dự án, cán bộ y tế được nâng cao rất nhiều về chuyên môn trong hoạt động truyền thông, xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch liên ngành. Đồng thời, trạm được tài trợ nhiều thiết bị như: Bộ truyền thông di động, màn hình, máy chiếu, máy chiếu tia cực tím, máy đo huyết áp, SPO 2, các túi cấp cứu lưu động… Thông qua dự án, xã Ninh An đã thành lập 12 nhóm zalo cộng đồng, có hơn 65% người dân ở xã tham gia với khoảng 8.000 người, thuận tiện trong việc thông tin, tuyên truyền các hoạt động y tế tại địa phương.  

Chú trọng đẩy mạnh truyền thông tại cộng đồng

Học sinh Trường Tiểu học Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh dự thi vẽ tranh do dự án phát động.

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng ISDS, Giám đốc dự án cho biết, các hợp phần của dự án tập trung nâng cao năng lực phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống dịch nói riêng và các hoạt động khác nói chung. Ở hợp phần này, dự án hỗ trợ cho lãnh đạo địa phương về cách thức phối hợp xây dựng kế hoạch đối phó với dịch bệnh, tránh sự quá tải, bị động; cán bộ y tế được nâng cao kiến thức tránh sự lây nhiễm chéo ở trạm y tế, duy trì cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu cho người dân khi dịch bệnh xảy ra; hỗ trợ điều trị cho các ca bệnh tại trạm y tế và tại nhà, cách thức chuyển tuyến phù hợp trong thời điểm xảy ra dịch bệnh; trang bị các thiết bị truyền thông và y tế cho địa phương. Đối với cộng đồng, dự án tập trung các hoạt động truyền thông giúp thay đổi nhận thức để tự biết phòng và ngăn ngừa dịch bệnh. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nói trên, dự án tổ chức các cuộc thi để đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng như: Thi làm các clip ngắn về phòng, chống dịch bệnh tại xã, phường; cuộc thi online xây dựng cộng đồng vui - khỏe thu hút gần 7.000 người dân tham gia; cuộc thi vẽ tranh dành cho học sinh ở các trường của 3 tỉnh tham gia dự án với chủ đề “Thiếu nhi khỏe mạnh - sẵn sàng chống dịch”, với hơn 8.200 bức tranh dự thi... Dự án đang phát động các trường làm album đẹp từ những bức tranh do học sinh vẽ. Dự kiến trong tháng 5 và 6, dự án sẽ tổ chức trao giải cho các cuộc thi tại Hà Nội. Hiện nay, Khánh Hòa thực hiện rất tốt các hoạt động của dự án và đạt những chỉ tiêu dự án đưa ra. Tin rằng, khi dự án kết thúc, các xã, phường tham gia dự án của tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tốt những nền tảng dự án đã xây dựng trước đó trong công tác phòng, chống dịch nói riêng và các hoạt động khác nói chung.

Dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở để ứng phó đại dịch Covid-19 và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe khác tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, theo sự ủy thác của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản, ISDS là đơn vị thực hiện. Có 3 tỉnh, thành được thụ hưởng dự án, gồm: Khánh Hòa, Long An và Vĩnh Phúc. Tại Khánh Hòa, dự án được triển khai tại 9 xã, phường thuộc 3 địa phương: TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa. Mục tiêu chung của dự án là tăng cường năng lực cho xã, phường, bao gồm: Chính quyền, ngành y tế, các ban, ngành, tổ chức xã hội, các nhóm dễ bị tổn thương để sẵn sàng ứng phó đại dịch Covid-19 và các đại dịch bệnh khác. Dự án được triển khai từ năm 2022 và kết thúc vào cuối năm 2024. 

Tại Khánh Hòa, dự án đã tổ chức hơn 60 lớp tập huấn cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, nhân viên y tế, y tế thôn bản và cộng tác viên y tế của các xã, phường tham gia dự án. Dựa trên đề xuất của UBND và trạm y tế của 9 xã, phường thụ hưởng, dự án đã trang bị 27 máy tính xách tay, 7 tivi, 7 thiết bị thu âm, 33 loa và hệ thống loa di động, 10 thùng chở rác an toàn có khóa, 2 tủ sấy dụng cụ y tế, 1 nồi hấp ướt, 2 máy phun khử khuẩn, 8 đèn cực tím, 3 máy phát điện, 29 bộ đo huyết áp, 10 túi cấp cứu di động và một số thiết bị thiết yếu khác.

C.ĐAN