Bệnh nhân (BN) chạy thận nhân tạo phải lọc máu định kỳ rất tốn kém, hầu hết hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, trong hành trình đó, các BN không đơn độc, bởi đội ngũ nhân viên y tế luôn nỗ lực đêm ngày chăm sóc, hỗ trợ để họ an tâm chữa trị.
Công việc luôn tất bật
Do công việc căng thẳng, nhân viên y tế ở đơn vị Thận nhân tạo hầu như phải đứng suốt ca trực. |
6 giờ 30, điều dưỡng Nguyễn Thành Long (30 tuổi, nhà ở huyện Diên Khánh) bắt đầu vào ca trực 24/24 giờ tại đơn vị Thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh nhanh chóng kiểm tra sức khỏe, mạch, huyết áp, chỉ số đường huyết, sát trùng… cho BN, sau đó luồn 2 cây kim có gắn dây dẫn truyền vào cầu nối động mạch, tĩnh mạch để lọc máu (FAV) trên tay trái BN, rồi kết nối với máy chạy thận nhân tạo. Máu lẫn độc chất từ từ đi qua ống dẫn thứ nhất vào máy. Quan sát đến khi các thành phần máu được tách chiết qua màng lọc máu, đưa máu sạch trở lại cơ thể qua ống dẫn thứ hai, anh lại hối hả sang giường bệnh thứ hai kiểm tra sức khỏe, gắn kim vào tay FAV… Cứ vậy, anh và các đồng nghiệp trong ca trực thao tác từ giường này qua giường khác, phòng này qua phòng khác, rồi quay lại giường đầu tiên để theo dõi, điều chỉnh tốc độ máu; kiểm tra áp lực động mạch, tĩnh mạch, các đèn báo an toàn, thông số huyết áp, mạch, nồng độ dịch lọc… Gần 3 giờ sáng hôm sau, khi những BN chạy thận ca cuối ngày đã ra về, anh và các đồng nghiệp ca sau còn phải ở lại tẩy trùng máy, màng lọc máu, thu gom rác thải y tế, vệ sinh phòng… Khi anh rời bệnh viện, ngày làm việc mới cũng vừa bắt đầu.
Điều dưỡng Võ Trí Thức kiểm tra các thông số của bệnh nhân trước khi chạy thận. |
Ở phòng số 8, điều dưỡng Nguyễn Thị Hương Thắm luôn tay luôn chân với 8 giường bệnh. BN này chạy thận xong lại tới BN khác. Chị liên tục kiểm tra máy, thay dây dịch truyền, màng lọc, tháo bỏ phần nước ứ đọng, kiểm tra lưu lượng cùng độ dẫn điện của hệ thống nước…, rồi chị lại tất tả đi sang giúp đồng nghiệp buồng số 7 kiểm tra lại độ dẫn điện của dịch lọc, báo động an toàn của máy. Guồng quay hối hả đó cứ lặp đi lặp lại. “Mỗi ngày, đơn vị chạy thận cho khoảng 170 BN, chia làm 4 ca, mỗi ca 8 giờ (sáng 2 ca, chiều 2 ca) với 8 điều dưỡng, 1 bác sĩ. Ngoài ra, hàng tuần, mỗi điều dưỡng còn phải trực 1 ngày liên tục 24 giờ. BN phải chạy thận mỗi tuần 3 lần, 1 tháng 12 lần, chỉ cần bỏ 1 ngày sẽ diễn biến xấu, nên đặc thù của đơn vị là không nghỉ lễ, Tết. Do luôn phải làm việc rất tập trung với cường độ cao, gần như không có thời gian ngồi nên nhân viên y tế ở đây đều bị giãn tĩnh mạch chi dưới”, điều dưỡng Thắm cho biết.
Đồng hành với bệnh nhân
Có nhiều công đoạn chuẩn bị trước khi chạy thận cho bệnh nhân. |
Lặng lẽ nằm nhìn trần nhà, ông N.V.T (42 tuổi, ở TP. Nha Trang) nhớ lại những ngày suy sụp khi phải chứng kiến mẹ đẻ và em trai lần lượt ra đi vì suy thận. "Hồi đó, chưa có đơn vị thận nhân tạo. Khi phát hiện thì không cứu được mẹ; em tôi điều trị được nửa tháng cũng mất". Ông còn trải qua những ngày dài buồn bã khi biết mình cũng bị suy thận; người vợ đã chia tay sau hơn 1 năm theo ông tới bệnh viện. Ông phải nghỉ dạy học, cùng cha vất vả trong hành trình chạy thận suốt 15 năm. Đưa tay ôm bụng trướng to đặc trưng của người bệnh thận, ông chia sẻ: "Nhờ các y, bác sĩ ở đây động viên, chăm sóc, tôi đã lấy lại tinh thần, an tâm chữa trị và làm việc phù hợp với sức khỏe của mình".
Thế nhưng, không phải ai cũng lạc quan được như vậy. Ông L.V.B (68 tuổi, ở huyện Cam Lâm) biết mình suy thận giai đoạn cuối khi đi khám, điều trị bệnh Parkinson. 7 tháng ông nằm viện là 7 tháng vợ ông tá túc tại đây, trông nhờ vào những bữa cơm từ thiện, tối đến vạ vật ở hành lang bệnh viện. Nhà ông bà có 8 người con nhưng công việc cho thu nhập mỗi tháng vài triệu đồng; các con của ông bà còn lo cho con nhỏ nên chỉ hỗ trợ cha mẹ phần nào. "Tiền ra vô từ viện về nhà mỗi lần cũng mất mấy trăm ngàn đồng, chúng tôi tiết kiệm hết mức cũng tốn 1 - 1,2 triệu đồng/tháng; thôi thì tá túc luôn ở đây chăm sóc ổng, được ngày nào hay ngày đó", vợ ông B. nói. Ở giường bên, ông L.K.A (67 tuổi, ở huyện Diên Khánh) trầm ngâm nhìn vợ lủi thủi soạn cà mèn đi xin cơm từ thiện. Ông A. trước làm phụ hồ, từ khi bị bệnh thận phải nghỉ làm; vợ chồng lay lắt trông vào nồi bắp luộc để lấy tiền chạy thận cho ông.
Tiến sĩ, bác sĩ NGUYỄN LƯƠNG KỶ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): Đơn vị Thận nhân tạo là 1 trong 5 trung tâm lớn của cả nước, luôn nhận được sự quan tâm của Ban Giám đốc bệnh viện, sự đóng góp ủng hộ của các nhà hảo tâm. Đơn vị trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nên khi BN trở nặng thì được cấp cứu rất kịp thời; nhân viên tận tâm và năng nổ. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ bệnh thận mạn chiếm khá cao, khoảng 11% người trưởng thành. Tất cả BN mắc bệnh thận đều trở nên nghèo khó do bệnh kéo dài nhiều năm, thanh toán bảo hiểm y tế chưa bao được trọn gói, BN phải đồng chi trả một phần. Vì vậy, rất cần những tấm lòng hỗ trợ BN từ các mạnh thường quân, tổ chức, đơn vị.
Khó khăn không kém là em T.T.H (TP. Cam Ranh). Cha mẹ mất sớm, anh trai H. chấp nhận bỏ học đại học đi rửa xe thuê, phụ quán cơm kiếm tiền nuôi em ăn học, cho đến ngày phát hiện H. phải chạy thận… Nếu không có bảo hiểm y tế, BN chạy thận phải chi trả phí điều trị khoảng 12 triệu đồng/tháng. Nhưng dù có bảo hiểm y tế, BN ở xa vẫn tốn chi phí đi lại, ăn uống đáng kể. Bác sĩ Võ Khôi Vũ cho biết: "Những người không may bị suy thận mạn tính, nếu không tìm được nguồn thận hiến tặng sẽ phải chạy thận nhân tạo đến hết cuộc đời, có BN đã chạy thận 20 năm. Vì vậy, số ca mắc luôn nhiều hơn số ca dừng điều trị. Khi đã phải chạy thận nhân tạo, người giàu cũng dễ trở thành người nghèo, người trung bình thành kiệt quệ".
Gắn bó với đơn vị 10 năm, điều dưỡng Thắm đã quá quen với âm thanh ầm ì, tiếng tút tút đều đặn của máy lọc máu hay tiếng hú báo sự cố, báo hết lượt chạy; quen cả tâm tính, hoàn cảnh của từng BN. Chị nhớ nhất cậu thanh niên 22 tuổi ở gần nhà mình (huyện Diên Khánh), đã chạy thận 10 năm, vừa mới mất vì suy tim nặng. “Hồi trước, thỉnh thoảng đi làm, tôi còn chở cậu ấy cùng đến bệnh viện để chạy thận. Đến giờ, đi làm về qua lối vào nhà cậu ấy, tôi lại nhớ hình ảnh cậu đứng đó chào tôi…", chị Thắm bồi hồi. Trong 20 năm theo nghề, điều dưỡng Võ Trí Thức nhớ nhất ánh mắt xúc động của BN người dân tộc Ê đê ở huyện Khánh Vĩnh khi nhận món tiền nhỏ anh tặng để mua tô phở. "Ca trực nào tôi cũng thấy hai cha con ăn mì tôm, hỏi thì BN rụt rè nói thèm tô phở mà không có tiền. Điều đó khiến tôi nao lòng", anh Thức tâm sự.
Tuy vất vả nhưng không ai trong các nhân viên y tế nơi đây có ý định chuyển nơi làm. Bởi họ hiểu, BN phải gắn cả đời với máy lọc máu. Hàng ngày, chứng kiến hoàn cảnh khốn khó của BN khiến họ luôn nỗ lực để làm tốt công việc. "BN ngày càng tăng, trong khi máy móc và nhân lực tại đơn vị không đáp ứng đủ. Vì thế, rất cần những điều dưỡng, kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Tôi đã làm lâu năm, nếu đi nơi khác thì đồng nghiệp phải gánh việc thay mình, càng thiếu người chăm sóc BN... cho nên chưa khi nào tôi muốn chuyển đi nơi khác. Tôi chỉ mong có thêm nhiều máy chạy thận; phòng bệnh rộng hơn; nhiều mạnh thường quân giúp đỡ BN; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ y tế để BN không phải đồng chi trả", anh Thức tâm sự.
Quanh năm bận rộn, Tết là lúc đơn vị Thận nhân tạo rộn ràng nhất, nhiều nụ cười nhất, bởi có nhiều mạnh thường quân tới tặng quà từ thiện giúp BN phấn chấn, yêu đời hơn. BN, người diện đồ tây, người mặc áo dài, tươi cười chúc Tết nhân viên trước khi vào chạy thận; có người còn mang bánh chưng, bánh tét đến tặng. “Do đặc thù công việc, đơn vị Thận nhân tạo luôn sáng đèn 24/24 giờ. Ở nơi đây, từ những người xa lạ, tất cả dần thương yêu, gắn kết với nhau, bởi ai cũng hiểu, nhân viên sẽ đồng hành, chia sẻ với BN đến cuối cuộc đời họ”, chị Thắm chia sẻ.
NGUYỄN VŨ - BÁ NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin