20:44, 11/01/2024

Tăng cơ hội sống cho người mắc bệnh lý cột sống cổ

C.ĐAN

Gần 10 năm qua, các bác sĩ Khoa Ngoại cột sống, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã sáng tạo ra phương pháp dùng thước đo trong lúc phẫu thuật xác định điểm vào lý tưởng để đặt vít chân cung trong điều trị bệnh lý cột sống cổ. Phương pháp trên đạt độ chính xác hơn 94%, mở ra cơ hội điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân bị bệnh lý cột sống cổ nặng.

Tháng 7-2023, ông Nguyễn Văn Sự (60 tuổi, TP. Nha Trang) nhập viện vì đau cột sống cổ và tê tứ chi, yếu tứ chi. Ông Sự được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh lý tủy cổ, chèn ép tủy cổ nặng yếu tứ chi do hẹp ống sống cổ có kèm theo còng biến dạng cột sống cổ, phải phẫu thuật. Các bác sĩ Khoa Ngoại cột sống đã phẫu thuật giải phóng chèn ép tủy cổ, đồng thời áp dụng phương pháp dùng thước đo lấy chính xác điểm vào và góc của vít để đặt vít chân cung cột sống cổ nhằm cố định và nắn chỉnh biến dạng còng cột sống. Hiện tại, sức khỏe của ông Sự đã ổn định, tứ chi chỉ còn tê nhẹ, tay đã cầm được đũa và chân hết đi loạng choạng, có thể lên xuống cầu thang mà không cần người hỗ trợ. Tháng 8-2023, ông Phan Văn Tuấn (30 tuổi, huyện Vạn Ninh) bị tai nạn lao động, gãy trật đốt sống cổ, liệt tứ chi không hoàn toàn. Trong phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân được các bác sĩ BVĐK tỉnh ứng dụng phương pháp trên. Hiện nay, bệnh nhân đã hồi phục và đi làm trở lại.

Thực hiện ca phẫu thuật cột sống cổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Hoàng Mạnh - Trưởng khoa Ngoại cột sống, BVĐK tỉnh, tác giả của phương pháp trên cho biết, đặt vít chân cung cột sống cổ là phương pháp cố định cột sống cổ vững chắc nhất, mang lại hiệu quả cao trong điều trị, nhất là những trường hợp bị gãy trật, còng, vẹo biến dạng cột sống cổ nặng. Một số trường hợp nặng như còng biến dạng cột sống cổ, hoặc gãy trật cột sống vùng cổ ngực, nếu không áp dụng phương pháp này thì có thể bệnh nhân phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật phía trước và phía sau mới xử lý được biến dạng và cố định vững chắc cột sống cổ. Như vậy, ca mổ rất nặng nề, tốn kém và tăng nguy cơ tai biến cho bệnh nhân.

Ở các nước tiên tiến có ứng dụng hệ thống định vị bằng máy hay hệ thống khuôn đúc nhằm xác định được chính xác điểm vào và góc của vít chân cung, giúp bắt vít với tỷ lệ chính xác gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, các hệ thống hỗ trợ này rất đắt tiền và cách sử dụng phức tạp nên ít có BV tại Việt Nam áp dụng. “Với điều kiện kinh tế hiện nay, các BV tuyến tỉnh rất khó áp dụng những phương pháp tiên tiến trên. Chứng kiến nhiều bệnh nhân bị mắc bệnh lý cột sống cổ nặng và phức tạp, chưa có phương pháp điều trị phù hợp, chúng tôi đã đi học kỹ thuật đặt ốc chân cung cột sống cổ tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình Sapporo (Nhật Bản), do Giáo sư Kuniyoshi Abumi - tác giả của kỹ thuật này trực tiếp chỉ dạy. Khi áp dụng kỹ thuật của Giáo sư Abumi, tỷ lệ chính xác của ốc chân cung không cao, vì vậy chúng tôi đã sáng tạo kỹ thuật dùng thước đo trong lúc phẫu thuật để xác định điểm vào và góc lý tưởng để đặt vít chân cung cột sống cổ. Phương pháp này khá đơn giản và dễ áp dụng, giúp phẫu thuật viên xác định chính xác vị trí cần bắt vít mà không cần trang bị những phương tiện đắt tiền, giúp bắt ốc chân cung chính xác hơn. Đồng thời, giúp bệnh nhân được điều trị cách tốt nhất, tránh các tai biến xảy ra và giảm được nhiều chi phí”, bác sĩ Mạnh chia sẻ.

Đến nay, các bác sĩ Khoa Ngoại cột sống đã áp dụng phương pháp này điều trị cho hơn 50 bệnh nhân, với tỷ lệ chính xác vít nằm trong chân cung đạt 94,2%. Với những thành công trên, phương pháp này đã được báo cáo tại hội nghị chấn thương chỉnh hình Hàn Quốc diễn ra tại Seoul năm 2017; hội nghị nghiên cứu cột sống cổ Á Châu Thái Bình Dương (CSRS-AP) tổ chức tại Delhi, Ấn Độ năm 2018; đạt giải nhì ở hội thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh lần thứ VII, năm 2016 - 2017…

Theo bác sĩ Mạnh, cột sống cổ tuy chỉ có 7 đốt xương sống nhưng lại là đoạn cột sống quan trọng nhất. Bệnh nhân bị bệnh lý tủy cổ do một số nguyên nhân như: Hẹp ống sống cổ, thoát vị đĩa đệm, gai xương ở bờ sau thân đốt sống, cốt hóa dây chằng dọc sau và dây chằng vàng. Chấn thương vùng cột sống cổ do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn thể thao... Hậu quả của bệnh lý tủy cổ có tổn thương tủy hoặc chấn thương cột sống cổ có tổn thương tủy là bệnh nhân có thể bị liệt vận động, mất cảm giác tứ chi, bí tiểu. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, loét da, teo cơ và rất nhiều biến chứng khác. Tỷ lệ tử vong ở các trường hợp có tổn thương tủy cổ hoàn toàn, liệt tứ chi rất cao.

C.ĐAN