22:06, 22/01/2024

Hệ lụy từ mức sinh thấp

C.ĐAN

Hiện nay, Khánh Hòa có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, trong đó nhiều địa phương có mức sinh thấp. Đặc biệt, nếu mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn tới suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Nhiều địa phương có mức sinh thấp

Tuy Diên Điền (huyện Diên Khánh) là xã thuần nông nhưng mức sinh tại địa phương nhiều năm nay khá thấp. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, năm 2023, mức sinh của xã là 1,52 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tình trạng này không phải mới, mà đã diễn ra gần 10 năm qua.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa - chuyên trách dân số xã Diên Điền cho biết, có năm mức sinh của xã ở mức 1,24 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ. Ngoài nhiều cặp vợ chồng trẻ không có nhu cầu sinh con thứ hai còn có nhiều trường hợp chưa muốn sinh con đầu dù đã kết hôn vài năm. Khi cán bộ dân số đi vận động người dân sinh đủ 2 con, nhiều cặp vợ chồng cho biết ngại sinh con thứ hai vì áp lực kinh tế, không có người chăm con nhỏ. “Ở đây, nhiều cặp vợ chồng đi làm ở khu công nghiệp nên công việc bấp bênh, đặc biệt là sau dịch Covid-19 nhiều người phải nghỉ việc dài ngày. Chưa kể, hiện nay, chi phí chăm lo cho con quá tốn kém dẫn tới nhiều cặp vợ chồng trẻ không mặn mà với việc sinh con thứ hai”, chị Hoa chia sẻ.

Thực  hiện ca sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Thực hiện ca sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở xã Diên Điền mà còn ở nhiều xã khác của huyện Diên Khánh. Theo số liệu từ Trung tâm Y tế huyện, năm 2023, mức sinh con/phụ nữ tuổi sinh đẻ trung bình của huyện nằm ở mức 1,33; có 8/18 xã, thị trấn có mức sinh dưới 1,3. Đây cũng là tình trạng chung ở một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, như: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa… Chị Nguyễn Hoàng Dung (phường Vĩnh Phước, Nha Trang) chia sẻ, vợ chồng chị lấy nhau 8 năm, có một con gái, muốn sinh thêm con nhưng lại sợ. Hiện nay, công việc của chị rất bận rộn, chồng chị buôn bán, gia đình nội, ngoại ở xa, chị sợ sau khi sinh không ai trông con nhỏ, đưa đón con lớn đi học…

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Oanh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hiện nay, mức sinh trên địa bàn tỉnh không đồng đều. Huyện Khánh Sơn có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế; huyện Khánh Vĩnh đạt mức sinh thay thế nhưng số gia đình có con thứ 3 vẫn còn cao; các huyện, thị xã, thành phố còn lại có mức sinh thấp, dưới 1,65 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ. Trong từng địa phương, các xã, phường, thị trấn cũng có mức sinh khác nhau; trong đó TP. Nha Trang, huyện Vạn Ninh có mức sinh thấp nhất lần lượt là 1,15 và 1,05 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Khuyến khích, vận động phụ nữ sinh đủ 2 con

Mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số. Do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước. Đặc biệt, mức sinh thấp kéo dài sẽ làm suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn... Hậu quả là ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gia tăng các dòng di cư, tác động đến ổn định xã hội và phát triển đất nước.

Tại hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam do Cục Dân số (Bộ Y tế) và Hội Sản phụ khoa Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối năm 2023, các chuyên gia chỉ ra rằng, ngoài các hệ lụy nêu trên, mức sinh thấp sẽ đưa đến hội chứng "4 - 2 - 1" - tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và 1 người con. Với hội chứng này, khi còn nhỏ, đứa trẻ được 6 người chăm sóc nhưng lớn lên đứa trẻ lại phải gánh vác, chăm sóc lại 6 người. Nhiều trẻ được nâng niu, chiều chuộng từ nhỏ nên khi trưởng thành chưa sẵn sàng về mặt tâm lý, cũng như các kỹ năng cần thiết để gánh vác việc chăm sóc lại 6 người.

Tại Khánh Hòa, nhiều năm qua, ngành Y tế có nhiều giải pháp trong việc vận động, tuyên truyền chuyển trọng tâm từ giảm sinh sang sinh đủ 2 con tại những vùng có mức sinh thấp. Tuy nhiên, hiện nay, tại Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung, giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn; giới trẻ bị áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, nuôi dạy và chăm sóc con,… dẫn tới tình trạng nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có con, muốn sinh ít... dẫn đến tạo nên mức sinh thấp.

Theo các chuyên trách dân số ở địa phương có mức sinh thấp, để vận động mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con, ngoài việc thay đổi nội dung truyền thông, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho những cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Bà Trần Thị Thoại Vân - cán bộ quản lý dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh kiến nghị: “Có thể hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai; miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học. Với những địa phương có mức sinh thấp, cần bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con”.

Từ thực trạng về chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588 phê duyệt chương trình "Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030". Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu những vùng có mức sinh thấp phải thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như: Tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt. Đồng thời, thí điểm và từng bước mở rộng các giải pháp hỗ trợ những cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng mức sinh thấp; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con…

C.ĐAN