19:43, 13/11/2023

Chương trình Truyền thông y tế năm 2023: Phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em

HỒNG HOA

Báo cáo về thực trạng dinh dưỡng ở trẻ em cấp tiểu học năm 2020, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ cấp học này là 11,8%, thiếu vitamin D 46,6%, thiếu vitamin A 7,7%; riêng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ thiếu máu 19,6%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung nhấn mạnh, khi trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, trẻ còi cọc, biếng ăn, chậm lớn, giảm sức đề kháng. Đối với năng lực phát triển trí tuệ, trẻ sẽ có sự tập trung kém, kết quả học tập thấp. Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất ở trẻ nhỏ là do chế độ ăn chưa cân đối, chưa đa dạng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

Cán bộ y tế điều tra tình trạng sức khỏe trẻ em tại huyện Khánh Vĩnh.
Cán bộ y tế điều tra tình trạng sức khỏe trẻ em tại huyện Khánh Vĩnh.

Theo các chuyên gia, bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của học sinh. Tại Việt Nam, trẻ em, học sinh đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Ở miền núi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi ở mức cao; ngược lại tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng lên ở khu vực thành thị. Các chuyên gia cho biết, sắt là vi chất rất quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng của cơ thể, nhất là quá trình cơ thể sản xuất hemoglobin - làm nhiệm vụ vận chuyển ôxy của tế bào hồng cầu trong máu. Sắt cũng giúp cho các tế bào da, tóc, móng phát triển khỏe mạnh.

Triệu chứng thiếu máu phổ biến là mệt mỏi, tuy nhiên, có những trẻ bị thiếu máu mà không nhận ra, chỉ phát hiện nhờ xét nghiệm do trẻ mắc bệnh lý khác, hoặc nhờ kiểm tra sức khỏe tổng quát. Một số trẻ xuất hiện các dấu hiệu khác, như: Xanh xao, khó thở, nhịp tim không đều. Triệu chứng ít gặp hơn là trẻ bị đau đầu, đau cơ và rụng tóc, trẻ ăn không ngon miệng, khó nuốt, loét miệng. Để phát hiện tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, các cơ sở y tế sẽ thực hiện xét nghiệm phân tích tế bào máu, nồng độ ferritin huyết thanh, sắt huyết thanh... và một số xét nghiệm khác. Thiếu máu, thiếu sắt có thể do chế độ ăn uống của trẻ không đúng cách, như: Không ăn những thực phẩm giàu chất sắt; uống nhiều sữa bò mỗi ngày làm giảm hấp thu chất sắt trong thực phẩm; mắc bệnh viêm ruột, viêm dạ dày do vi khuẩn helicobacter pylori. Ở một số trường hợp trẻ sinh non, trẻ mắc một số bệnh mạn tính có nhu cầu gia tăng cung cấp sắt; trẻ nhiễm giun sán cũng làm giảm việc cung cấp, hấp thu sắt.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, để điều trị thiếu máu, thiếu sắt cần giải quyết được nguyên nhân gây ra thiếu máu; đồng thời điều chỉnh chế độ ăn bổ sung sắt phù hợp. Theo đó, liều bổ sung sắt bằng đường uống từ 3 đến 5mg sắt nguyên tố/kg/ngày, dùng viên sắt kết hợp với axit folic; thời gian uống từ 3 đến 6 tháng tùy trường hợp. Khi uống cần bổ sung thêm vitamin C hoặc nước cam để tăng hấp thu sắt. Để phòng bệnh thiếu máu, thiếu sắt cho con, các bà mẹ cần nuôi con bằng sữa mẹ, thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin. Trẻ trên 12 tháng tuổi cần được xổ giun định kỳ hàng năm.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi bà mẹ có thai, lượng sắt cần cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi, nếu không cung cấp đủ, mẹ mắc chứng thiếu máu và ảnh hưởng đến cả thai nhi. Vì vậy, khi phát hiện có thai, bà mẹ nên uống ngay viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài đến sau khi sinh con một tháng; liều bổ sung là 60mg sắt kèm 400microgam axit folic mỗi ngày. Ngoài ra, các bà mẹ nên sử dụng thực phẩm có tăng cường sắt, như: Các loại thịt màu đỏ, tim, gan, thịt gia cầm; cá, nghêu, hàu; lòng đỏ trứng; các loại đậu, ngũ cốc, rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô. Sắt có nguồn gốc động vật thường được hấp thụ tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật.

HỒNG HOA (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)