Hơn nửa tháng qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận số người bị mắc bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) gia tăng, phần lớn là trẻ em cấp tiểu học. Tại Khánh Hòa, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ ở các bệnh viện cũng tăng nhanh.
Nhiều trẻ mắc bệnh
Ngày 8-9, tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, có 203 người đến khám bệnh đau mắt đỏ, trong đó có 129 trẻ em dưới 15 tuổi. Chị Nguyễn Bích L. (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) có con học tại Trường Tiểu học Lộc Thọ cho biết, sau khai giảng, con trai chị có các biểu hiện đau mắt, chảy nước mắt, mắt đỏ… Qua 2 ngày chăm con, chị L. cũng mắc tình trạng tương tự. Đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang khám, bác sĩ kết luận 2 mẹ con chị bị viêm kết mạc. Sau khi sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tình trạng bệnh của 2 mẹ con đã thuyên giảm. Chị Trần Bích H. (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) cũng cho biết, tối hôm trước, con chị có biểu hiện đau, ngứa ở mắt nên chị có nhỏ nước muối sinh lý cho con. Sáng hôm sau, chị thấy mắt con vẫn sưng đỏ. Con đến trường một lúc thì cô giáo gọi đưa cháu về để đi khám. Tới đây, bác sĩ xác định con chị bị đau mắt đỏ nên cho thuốc điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang khám cho trẻ bị bệnh đau mắt đỏ. |
Tại Khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số trẻ đến khám trong nửa tháng qua cũng rất đông. Đưa con gái đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Vĩnh Hải đi khám mắt, chị Nguyễn Hoàng D. (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) cho biết, cách đây vài hôm, chị nghe con nói ở trường có nhiều bạn bị đau mắt đỏ, không nghĩ bệnh lây nhanh như vậy. Tối về, con kêu mắt có cảm giác đau, ngứa. Sáng hôm sau, do thấy mắt con đỏ nhiều nên chị xin phép cô giáo cho con nghỉ học để đến bệnh viện khám.
Số ca mắc tăng cao
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nam Trung - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang cho biết, cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi mùa tựu trường bắt đầu thì số trẻ đến bệnh viện khám mắt tăng cao, nhất là 2 tuần qua. Các biểu hiện thường thấy là mắt đỏ, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn; có trẻ nặng hơn với triệu chứng sưng nề kích thích với ánh sáng, trầy xước giác mạc… Theo số liệu của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, trong tháng 7, bệnh viện tiếp nhận 1.193 ca bị viêm kết mạc, trong đó có 278 trẻ dưới 15 tuổi; sang tháng 8 ghi nhận 1.472 ca mắc, trong đó trẻ dưới 15 tuổi chiếm 411 ca; trong tuần đầu của tháng 9, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 483 ca, chiếm gần 1/2 là trẻ dưới 15 tuổi (224 ca).
Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm. Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa (hè - thu), trẻ em thường dễ mắc bệnh. Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, bệnh hiếm khi đe dọa thị lực nhưng có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trẻ thường lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ra từ mắt, mũi, miệng của người bệnh, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh… Theo bác sĩ Kiệt, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, thường tự khỏi sau 7-10 ngày. Người bệnh cần kiên trì rửa mắt bằng nước muối 5-6 lần/ngày; cho mắt nghỉ ngơi; không cho trẻ đi bơi trong giai đoạn này; tránh cho trẻ ra ngoài gió. Ngoài ra, không xông lá cây khiến mắt bị kích thích gây đỏ và sưng thêm. Đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch. Việc nhỏ thuốc không đúng chỉ định, đặc biệt lạm dụng kháng sinh khiến người bệnh bị biến chứng viêm kết mạc rất lâu khỏi.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Với tình hình số trẻ bị mắc bệnh viêm kết mạc tăng cao, đơn vị đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các trường học đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh.
Để phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân (như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…); vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Trường hợp có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin