Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, có hơn 86% các nước trên thế giới đã thiết lập mục tiêu quốc gia về loại trừ bệnh viêm gan vi rút.
Hiệu quả từ chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo thống kê năm 2015, viêm gan vi rút ảnh hưởng đến khoảng 328 triệu người, với 257 triệu người mắc viêm gan B và 71 triệu người mắc viêm gan C. Đây là 2 loại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các tuýp viêm gan vi rút.
Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao. Từ năm 1997, vắc xin viêm gan B đã được triển khai lần đầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2003, Bộ Y tế triển khai tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi thành chương trình tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc.
Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Y tế Cam Ranh. |
Hiệu quả của tiêm chủng vắc xin viêm gan B giai đoạn 2000 - 2008 tại 51 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B đã giảm đáng kể so với nhóm trẻ không được tiêm. Kết quả điều tra cũng cho thấy, xu hướng giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B một cách rõ rệt ở các nhóm trẻ sinh ra trong giai đoạn 2000 - 2008. Riêng nhóm trẻ sinh năm 2006 có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là 1,89%, đạt mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới đề ra (dưới 2%).
Ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con
Trong 3 con đường lây truyền vi rút viêm gan B, tỷ lệ nhiễm do lây truyền từ mẹ sang con chiếm phần lớn. Phụ nữ mang thai nhiễm vi rút viêm gan B có thể truyền cho con khi mang thai, khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau sinh. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%; ở 3 tháng giữa của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm cho con là 10%; ở 3 tháng cuối, tỷ lệ này tăng đến 60 - 70%. Ước tính khoảng 5 - 10% nguy cơ lây nhiễm viêm gan B xảy ra cho thai nhi trong tử cung do vi rút xâm nhập qua gai nhau thai bị tổn thương. Lây truyền viêm gan B trong quá trình chuyển dạ và khi sinh là nguyên nhân hay gặp trong cơ chế lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Khoảng 90% trẻ nhiễm viêm gan B do lây truyền từ mẹ, có nguy cơ chuyển thành viêm gan mạn tính. Viêm gan vi rút cấp tính trong thai kỳ có thể không có triệu chứng hoặc có những dấu hiệu lâm sàng nhẹ, như: Vàng da, buồn nôn, chán ăn, đau bụng hoặc khó chịu, mệt mỏi, đau cơ, nước tiểu sẫm màu. Các triệu chứng này không thể chỉ rõ do loại vi rút viêm gan nào gây ra. Để xác định chính xác loại vi rút viêm gan B, các bác sĩ sẽ cho thai phụ xét nghiệm huyết thanh tìm kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg). Bà mẹ bị nhiễm viêm gan B trong giai đoạn thai kỳ sẽ được sử dụng thuốc kháng vi rút vào 3 tháng cuối thai kỳ. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B sẽ được tiêm thêm huyết thanh kháng viêm gan B thông thường như những trẻ khác. Mục đích của việc tiêm 2 mũi này là tạo ra miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động cho trẻ, giúp giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con.
Theo kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030, chỉ tiêu trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B được bảo vệ hiệu quả bằng cách tạo miễn dịch đạt hơn 90%. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, góp phần kiểm soát nhiễm vi rút viêm gan B, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là phụ nữ mang thai cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B thường quy. Đồng thời, tiêm vắc xin để phòng vi rút viêm gan B trong thai kỳ; ăn uống vệ sinh, quan hệ tình dục lành mạnh. Việc tuân thủ thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn của cán bộ y tế là chìa khóa để giảm lây truyền viêm gan vi rút từ mẹ sang con.
HỒNG HOA (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin