22:53, 10/09/2023

Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe

C.ĐAN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự thiếu hiểu biết về tác hại nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

Nhiều tác hại

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, với hàng trăm chất gây nghiện và gây độc có hại cho sức khỏe, chia làm 4 nhóm chính. Thứ nhất là nicotine - chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Người hút thuốc lá trung bình đưa vào cơ thể từ 1 đến 2mg nicotine/mỗi điếu thuốc lá. Tác dụng gây nghiện của nicotine chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương, chúng gây ra cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn. Thứ hai là monoxit carbon (khí CO), sau khi hút thuốc, khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của ôxy trên hồng cầu. Theo đó, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển ôxy vì đã gắn kết với CO. Hậu quả là cơ thể không đủ ôxy để sử dụng. Đây là nguyên nhân gây ra một số bệnh phổi mạn tính (hen phế quản, viêm phế quản, giãn phế quản)… Thứ ba là các phân tử nhỏ, chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ trong khói thuốc lá. Các chất kích thích này gây nên những thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển, làm giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhầy. Cuối cùng là 70 chất gây ung thư có trong khói thuốc lá. Các hóa chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp, gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa.

Kiểm  tra kết quả chụp X-quang  cho  bệnh  nhân  có  hút thuốc lá tại Bệnh viện Lao  và Bệnh  phổi
Y, bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi kiểm tra kết quả chụp X-quang cho bệnh nhân có hút thuốc lá. 

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, người trực tiếp hút thuốc lá (hút thuốc lá chủ động) có nguy cơ cao mắc các bệnh nan y, như: ung thư, tim mạch, phổi… Tuy nhiên, đối với người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân là do khói thuốc chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó có khoảng 250 chất gây ung thư hay chất độc hại.

Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động. Đối với phụ nữ khi mang thai, việc hút hay hít phải khói thuốc có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc đẻ non, trong đó nguy cơ sảy thai cao gấp ba lần so với phụ nữ không hút hay hít phải khói thuốc lá. Đối với trẻ em, hít thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Khói thuốc làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 đến 400gr. Mặt khác, trẻ hít phải khói thuốc sẽ kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Nên sớm bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể chỉ là thói quen, khi buồn, khi vui hoặc người khác mời thì hút và cũng có thể là tình trạng nghiện thuốc. Tuy nhiên, với những tác hại kể trên, việc sớm bỏ hút thuốc lá là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mỗi người và cộng đồng.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, nếu như hút thuốc chỉ là thói quen thì việc bỏ thuốc không phải là quá khó đối với người hút. Chỉ cần bạn có quyết tâm cao là thành công, nhưng nếu đã nghiện thì bạn cần chuẩn bị nghiêm túc và chu đáo để thực hiện quyết tâm bỏ thuốc. Vì khi bắt đầu bỏ thuốc, bạn sẽ gặp phải một số dấu hiệu như: Mất ngủ, giảm hưng phấn, giảm sự tập trung, bứt rứt, khó chịu, lo âu, thèm ăn… Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì đây chỉ là các biểu hiện do “thiếu thuốc” gây ra, tình trạng này sẽ chỉ xuất hiện trong một hai tuần đầu sau khi bỏ thuốc. Để vượt qua tình trạng này, người bỏ hút thuốc lá nên chuẩn bị sẵn một số thứ để thay thế cho thuốc lá, như: Hạt dưa, kẹo cao su…; uống nhiều nước, hít thở sâu, làm những công việc mình yêu thích. Trong trường hợp vượt quá sự chịu đựng, người bỏ hút thuốc lá cần đến các trung tâm cai nghiện hoặc bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc cai nghiện.

Bác sĩ Toàn khuyến khích: “Bạn nên thông báo quyết tâm bỏ thuốc cho người thân, bạn bè biết để nhận được sự động viên, khuyến khích và ủng hộ kịp thời. Hãy bỏ thuốc ngay bây giờ, bởi vì các tổn thương do thuốc lá gây ra sẽ có khả năng hồi phục nếu như cơ thể bạn không còn khói thuốc, đặc biệt là khả năng hồi phục gần như hoàn toàn nếu bạn bỏ thuốc trước tuổi 40”.

C.ĐAN