22:41, 05/09/2023

Bảo hiểm y tế: Góp phần chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

PHƯƠNG LY

Những năm qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các ngành, địa phương. Nhờ đó, giúp ĐBDTTS giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lợi ích thiết thực

Bà H’ Chem (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) thuộc diện gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định nên được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT 100%. Nhờ có BHYT đã giúp gia đình bà giảm bớt gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh. Chăm con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh, bà H’ Chem chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm mướn, tiền công chỉ đủ lo cái ăn hàng ngày. Được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT nên gia đình đỡ gánh nặng, khi có bệnh thì cứ tới trạm y tế hoặc bệnh viện khám và điều trị không sợ bị mất tiền”.

Khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh
Khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh.

Sốt, đau nhức và bị ho nhiều, bà Cao Thị Ánh (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh điều trị hơn một tuần nay. Tuy thời gian điều trị dài nhưng bà Ánh rất yên tâm vì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Thuộc nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định của Nhà nước, những năm qua, bà Ánh nghĩ thẻ BHYT chỉ giúp chữa đau ốm vặt với chi phí thấp. Nhưng khi bị bệnh phải điều trị lâu dài, bà mới hiểu rằng tấm thẻ BHYT có giá trị vô cùng to lớn. Đặc biệt, với điều kiện kinh tế còn khó khăn như gia đình bà, nếu bị bệnh mà không được quỹ BHYT chi trả, cuộc sống sẽ còn khó khăn hơn. Bà Ánh cho biết: “Nhà tôi nghèo nên rất quý thẻ BHYT được Nhà nước cấp. Trước đây, thỉnh thoảng bị ốm sốt, tôi và người nhà vẫn dùng thẻ BHYT đến trạm y tế để khám, khi nào nặng thì tới bệnh viện. Hết bệnh chúng tôi về đi làm để kiếm tiền lo cái ăn cái mặc và đóng bảo hiểm xã hội”. Hỏi chuyện mới biết, khi nhận thấy rõ lợi ích từ BHYT, bà Ánh đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội và đã đóng được 4 năm.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ bảo hiểm y tế - chính sách nhân văn sâu sắc

Huyện Khánh Vĩnh có gần 74% dân số là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc ĐBDTTS được cấp thẻ BHYT miễn phí có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, các cơ sở y tế cũng chủ động trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đào tạo chuyên sâu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, tạo niềm tin cho người dân. Theo ông Đỗ Quốc Sự - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Khánh Vĩnh, tính đến ngày 31-7, có hơn 34.900 lượt người được khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, khám chữa bệnh nội trú cho hơn 3.700 lượt; ngoại trú hơn 31.200 lượt. Tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT là 7,3 tỷ đồng; trong đó chi phí điều trị nội trú 3,3 tỷ đồng, còn lại ngoại trú.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm ban hành những chính sách đặc thù hỗ trợ về BHYT cho người dân. Theo đó, các đối tượng là người DTTS được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng và được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Qua đó, giúp ĐBDTTS tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tính đến quý II/2023, toàn tỉnh đã cấp mới thẻ BHYT cho hơn 7.110 người DTTS, nâng tổng số thẻ BHYT đã cấp cho ĐBDTTS lên hơn 45.350 người. Đến nay, huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100%. Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc Quản lý, điều hành Bảo hiểm xã hội tỉnh chia sẻ: “BHYT nói chung và các chính sách BHYT dành cho ĐBDTTS nói riêng có tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Các chính sách đã đóng góp rất tích cực trong việc chăm lo sức khỏe cho ĐBDTTS, để họ an tâm lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe cho ĐBDTTS ở một số nơi, nhất là 2 huyện miền núi ở tỉnh vẫn còn một số khó khăn, như: Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân còn thấp, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng còn hạn chế… Nhận biết những khó khăn này, ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục xây dựng các kế hoạch đầu tư về nhân lực, vật lực để ngày càng nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và ĐBDTTS nói riêng.

PHƯƠNG LY