22:27, 26/08/2023

Khi nào nên tiêm vaccine cúm mùa để phòng bệnh hiệu quả nhất?

Để phòng bệnh hiệu quả nhất cần tiêm vaccine cúm mùa mỗi năm một lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu cũng như cần tiêm đúng vaccine theo mùa đã được WHO khuyến cáo.

 

Ảnh: AFP/TTXVN
Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm cúm mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trên thế giới, với khoảng 10 triệu ca nhập viện.

Tại Việt Nam, cúm mùa gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn, trung bình có hơn 800.000 người mắc cúm, số ca mắc thường gia tăng mạnh vào các thời điểm giao mùa.

Theo các chuyên gia dịch tễ, cùng với các đợt gió mùa đông bắc đầu mùa tràn về ở miền bắc và các cơn mưa đầu mùa vào cuối mùa xuân ở miền nam là mùa của bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp rất phổ biến cúm mùa.

Cúm mùa rất thường gặp nên nhiều người chủ quan, không lường hết được biến chứng khi bệnh trở nặng. Các biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, suy tim, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy giảm miễn dịch, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu... dễ xảy đến với các đối tượng là trẻ em và người già trên 65 tuổi, nhóm người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh mạn tính như hen hoặc nhóm phụ nữ có thai.

Đặc biệt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, co giật,…. và những hệ lụy không ngờ như đau tim, đột quỵ,…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, tiêm vaccine được khuyến cáo là biện pháp phòng bệnh cúm mùa hữu hiệu, an toàn nhất. Bệnh cúm mùa do virus cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục nhưng theo quy luật nhất định về di truyền.

Vaccine cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus (trung hòa virus) khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc…

Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao công thức vaccine phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành và việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ lâu thiết lập các trạm “quan trắc” virus cúm mùa trên khắp thế giới, có cả ở Việt Nam để phân lập, xác định virus cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, bắc bán cầu và nam bán cầu…).

Từ đó dự đoán, xác định chủng virus cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông xuân khu vực bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa đông xuân khu vực nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).

Từ việc xác lập được khả năng chủng virus cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (bắc và nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng virus cúm để sản xuất vaccine phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vaccine tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất, cụ thể ở bắc bán cầu là vào tầm tháng 8, 9, còn nam bán cầu là vào tháng 4, 5 hàng năm.

Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới nên virus cúm (cả virus cúm nam bán cầu và cúm bắc bán cầu) có thể xuất hiện quanh năm. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm, có xu hướng gia tăng vào mùa đông-xuân. Vì thế, việc tiêm vaccine phòng cúm sẽ tạo ra "lá chắn thép" để bảo vệ người dân trước bệnh cúm mùa.

Theo nhandan.vn