Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang đã thực hiện phẫu thuật thành công cắt toàn bộ tuyến giáp bằng dao siêu âm cho bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp xâm lấn rộng, chèn ép thần kinh thanh quản.
Bệnh nhân T.N.Đ. (34 tuổi, TP. Nha Trang) nhập Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang trong tình trạng nuốt khó, khàn giọng. Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp thể nhú xâm lấn tổ chức xung quanh, di căn hạch. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng dao siêu âm (Harmonic Scaple) để phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp và nạo vét chuỗi hạch cổ, bảo tồn tuyến cận giáp và thần kinh thanh quản 2 bên. Sau phẫu thuật, ngay trong những giờ đầu, chị Đ. đã có thể nói chuyện lại bình thường. Sau 2 ngày được chăm sóc tích cực, bệnh nhân được xuất viện. Chị Đ. chia sẻ: “Bác sĩ đã chọn đường mổ theo nếp lằn da cổ để giúp giấu sẹo nên nhìn vào khó nhận biết có vết mổ. Kết quả xét nghiệm mô bệnh học sau mổ cho thấy tế bào ung thư đã xâm lấn ra ngoài, nên theo lời khuyên của bác sĩ tôi cần dùng thêm phương pháp uống i-ốt phóng xạ để điều trị dứt điểm bệnh”.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Như Quốc Hùng – Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang, người trực tiếp khám và thực hiện ca phẫu thuật chia sẻ, đây là một ca khó và phức tạp. Kích thước nhân giáp thùy phải của bệnh nhân khá lớn (2x3x1.5cm) có xâm lấn vào cơ ức giáp, mặt sau nhân thâm nhiễm dính chặt vào khí quản, tuyến cận giáp và thần kinh quặc ngược thanh quản. Để phẫu thuật thành công đòi hỏi tay nghề cao của ê-kíp phẫu thuật, phải cẩn trọng và khéo léo trong quá trình phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo hết hạch cổ mà không xâm lấn các bộ phận khác. Ở trường hợp này, bệnh nhân được chỉ định dùng dao siêu âm Harmonic Scaple nên quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn.
|
||
Theo bác sĩ Hùng, việc sử dụng dao siêu âm (Harmonic Scaple) có tính ưu việt trong phẫu thuật bướu giáp so với các phương pháp thông thường. Cụ thể, nó làm giảm tỉ lệ chảy máu, giảm thời gian phẫu thuật, ít gây tổn thương mô xung quanh, có thể thể bóc tách khéo léo, giúp kiểm soát được tổn thương các cơ quan quan trọng như thần kinh quặt ngược thanh quản (tránh khàn giọng sau mổ), tuyến cận giáp, các mạch máu… “Sau phẫu thuật, người bệnh ung thư tuyến giáp có thể cần điều trị thêm với i-ốt phóng xạ (dạng lỏng hoặc viên nang) để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát. Trường hợp bệnh nhân được phát hiện sớm, nếu tế bào ung thư chưa xâm lấn ra bao ngoài tuyến giáp, việc điều trị dứt bệnh được thực hiện đơn giản bằng phẫu thuật. Những bệnh nhân bị cắt trọn tuyến giáp hay suy giáp sau mổ, sau phẫu thuật cần điều trị nội tiết bằng cách bổ sung hóc môn tuyến giáp”
Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới, bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Các nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp: Hệ miễn dịch bị rối loạn; nhiễm phóng xạ; yếu tố di truyền; yếu tố tuổi tác, thay đổi hóc môn; mắc bệnh tuyến giáp. Ngoài những nguyên nhân trên, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, yếu tố khác cũng có nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp như: Bị thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì...
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu trứng. Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, thường sờ sẽ thấy một khối ở tuyến giáp (vùng cổ). Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp gồm: Khàn tiếng; nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản; khó thở khi u xâm lấn vào khí quản. Ở giai đoạn muộn hơn, có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương... Vì thế, theo lời khuyên của các bác sĩ, người dân cần duy trì thói quen tầm soát sức khoẻ định kỳ.
C.Đan
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin