17:52, 19/04/2023

Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang: Tập huấn xử trí - sơ cấp cứu khi trẻ hóc dị vật

Chiều 19-4, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang cho biết, bệnh viện vừa phối hợp với Trung tâm Ngoại Ngữ Let's start tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn xử trí - sơ cấp cứu hóc dị vật đường thở cho các thầy, cô giáo của trung tâm.  

Tại buổi tập huấn, bác sĩ chuyện khoa I Nguyễn Đức Tuấn - chuyên khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện đã chia sẻ các kiến thức về những dấu hiệu khi trẻ bị hóc dị vật, các biến chứng và cách xử trí với từng trường hợp cụ thể, ở từng độ tuổi. Đồng thời, các thầy, cô giáo được nhân viên y tế của bệnh viện hướng dẫn thực hành cách xử trí trên mô hình ở các tư thế khác nhau như khi bệnh nhân đứng, ngồi hoặc nằm..

 
Các học viên được thực hành xử trí hóc dị vật trên mô hình

Theo bác sĩ Tuấn, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị hóc dị vật. Dị vật có thể là từ các loại quả có hạt, loại đậu, các vật dụng thông thường ở xung quanh như: đậu phộng, hạt na, thạch rau câu, xương cá, mảnh đồ chơi, nắp bút bi....Dị vật đường thở là trường hợp cấp cứu thường thấy ở trẻ bởi các em thường tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, việc các em đùa giỡn, chạy nhảy trong khi đang ăn uống hoặc có thói quen ngậm đồ vật trong khi đang học tập cũng có thể làm các em bị hóc dị vật.

Do đó, người dân cần phải trang bị cho mình kỹ năng xử trí hóc dị vật ở trẻ, nhất là phụ huynh và giáo viên để trong quá trình chăm sóc nếu trẻ có bị hóc dị vật thì biết cách xử lý, sơ cấp cứu ban đầu, tránh bị động và xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Dung Ly