10:12, 29/12/2021

Phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu

Với TP. Nha Trang là đô thị trung tâm, hiện nay, các khu vực ven biển Ninh Hòa, Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm đang có tốc độ đô thị hóa cao. Để phát triển bền vững đô thị, tỉnh đã có những định hướng phát triển đô thị theo hướng tôn trọng thiên nhiên, môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
 

Với TP. Nha Trang là đô thị trung tâm, hiện nay, các khu vực ven biển Ninh Hòa, Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm đang có tốc độ đô thị hóa cao. Để phát triển bền vững đô thị, tỉnh đã có những định hướng phát triển đô thị theo hướng tôn trọng thiên nhiên, môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
 
Thách thức trong quá trình đô thị hóa 
 
Tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ V - năm 2021 với chủ đề “Vì một Việt Nam xanh” được tổ chức mới đây, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam đánh giá, với đường bờ biển dài 385km, vùng biển rộng với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ; nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; nhiều bãi tắm đẹp... đã đem lại cho tỉnh Khánh Hòa một tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Ở Khánh Hòa, ngoài TP. Nha Trang là đô thị trung tâm, 2 khu vực được chọn làm đô thị vệ tinh là Bắc bán đảo Cam Ranh với 45 dự án và thị xã Ninh Hòa với các khu đô thị ven biển thuộc các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải. Ngoài ra, các khu vực ven biển khác như Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm đang có tốc độ đô thị hóa cao cũng sẽ trở thành các đô thị vệ tinh. 

 

Một góc TP. Nha Trng nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG SƠN
Một góc TP. Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG SƠN
 
Tuy nhiên, mọi việc đều có mặt trái của nó, việc đô thị hóa nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng sinh thái: tài nguyên đất bị tận dụng khai thác để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập; nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước... Còn nhớ, năm 2017, cơn bão Damrey tràn qua vùng biển Nam Trung Bộ đã gây ra hậu quả to lớn về người, tài sản, sinh kế của người dân, làm thiệt hại kinh tế vô cùng lớn cho các địa phương mà nó đi qua. Riêng Khánh Hòa đã có 107 người thiệt mạng và  hàng ngàn hộ dân ven biển điêu đứng vì mất đi sinh kế đã cho thấy sự khốc liệt của biến đổi khí hậu (BĐKH).
 
Gìn giữ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu
 
Theo báo cáo UBND tỉnh gửi Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cuối năm 2021; hiện nay, trong quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, tỉnh đã lồng ghép các biện pháp ứng phó BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực ở cấp tỉnh, cấp huyện một cách hiệu quả. Đề ra các nội dung và phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho sở, ban, ngành đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế BĐKH như: hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án tiêu tốn năng lượng, phát thải khí nhà kính, kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch, khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch (năng lượng điện gió, mặt trời, thủy điện), phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Các biện pháp công trình khác như: xây kè, hồ chứa nước, cột mốc bão lũ, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt…; các dự án triển khai xây dựng Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Cùng với đó, trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và lập chương trình phát triển đô thị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh trong tương lai; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp gắn với tăng trưởng xanh tại các đô thị.
 

KTS Phạm Thanh Tùng: Chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để phát triển kinh tế bền vững vì sự trường tồn của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật trong quản trị và trong đời sống xã hội. Nhưng chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, hiểm họa do BĐKH và đại dịch gây ra. Vì thế hơn lúc nào hết, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ cấp bách, có tính chiến lược của Chính phủ, của chính quyền địa phương và của mỗi công dân.


 
THÁI THỊNH