Thời gian qua, người dân 2 thôn Quảng Phúc và Quảng Hòa (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) nhiều lần phản ánh tình trạng các trại nuôi heo xả thải trực tiếp ra dòng suối chảy qua thôn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất của người dân.
Thời gian qua, người dân 2 thôn Quảng Phúc và Quảng Hòa (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) nhiều lần phản ánh tình trạng các trại nuôi heo xả thải trực tiếp ra dòng suối chảy qua thôn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất của người dân.
Dòng suối bị ô nhiễm
Trưa 19-10, chúng tôi có mặt tại khu vực dòng suối chảy qua cánh đồng 2 thôn Quảng Phúc và Quảng Hòa. Tại thời điểm này, giữa cánh đồng lúa và ngay sát dòng suối, có 4 trại nuôi heo quy mô lớn. Dòng nước suối đang bị tắc nghẽn, đen đặc vì phân gia súc và rác thải, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Anh Nguyễn Lâm (thôn Quảng Phúc) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây bắt đầu xuất hiện cách đây 4 năm, khi các trại chăn nuôi heo được hình thành, rải rác ở gần khu vực suối và khu dân cư. Ban đầu, các hộ chăn nuôi heo còn sử dụng hầm xử lý chất thải, nhưng 1 năm trở lại đây thì xả thẳng trực tiếp ra suối, khiến suối luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Mỗi khi có mưa hay gió lớn là mùi hôi theo gió bay vào khu dân cư, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân.
Không chỉ vậy, việc xả thải từ các trang trại nuôi heo còn ảnh hưởng tới việc sản xuất trên cánh đồng hơn 200ha của 2 thôn Quảng Phúc và Quảng Hòa. Ông N.P (thôn Quảng Hòa) cho biết, gia đình ông có 6 sào lúa (6.000m2) đang canh tác tại cánh đồng thôn Quảng Hòa. Do hệ thống kênh mương trên cánh đồng chưa đủ cung cấp nước, nên từ năm 2016 cho đến nay, gia đình ông P. bơm nước từ suối lên phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, từ ngày dòng suối nước bị ô nhiễm, nước bơm lên làm chết lúa nên đồng lúa gia đình ông luôn trong tình trạng thiếu nước. Ông P. cho biết, thời gian qua, một số hộ dân ở thôn cũng đã bỏ hoang ruộng vì không đủ nước phục vụ sản xuất.
Bà Phạm Thị Doan (thôn Quảng Phúc) cũng có hơn 1ha trồng xoài, làm ruộng và trồng cỏ cho bò ăn ngay sát dòng suối. Bà Doan cho biết, trước đây, bà thường bơm nước từ suối lên để tưới cây và ruộng lúa, nhưng 1 năm nay dòng suối bị ô nhiễm. Do đó, trên cánh đồng, vườn cây èo uột, không phát triển được.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã Cam Thành Nam đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương sớm giải quyết việc chuyển các trại chăn nuôi heo tự phát vào khu quy hoạch chăn nuôi của xã để không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân trong xã.
Chưa thể xử lý dứt điểm
Trao đổi với phóng viên, bà Võ Thị Bích Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có 17 trại nuôi heo hình thành gần khu vực dân cư; tình trạng người dân phản ánh một số trang trại nuôi heo xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến nguồn nước, cuộc sống người dân là có xảy ra.
Mới đây, qua kiểm tra thực tế đoàn kiểm tra của xã đã phát hiện 2 hộ dân có trại nuôi heo có hầm chứa chất thải chăn nuôi, nhưng đấu nối, xả thải trực tiếp ra dòng suối. UBND xã lập biên bản xử lý và yêu cầu 2 hộ dân này cam kết không tái diễn xả thải ra môi trường. Bà Thảo cho biết: “Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, nguyên nhân không chỉ xuất phát ở các trang trại nuôi heo ở xã Cam Thành Nam mà còn do các hộ có trang trại nuôi heo ở phía thượng nguồn tuyến kênh B26 ở huyện Cam Lâm xả thải trực tiếp. Hiện nay, UBND xã Cam Thành Nam đang tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về môi trường trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị TP. Cam Ranh để phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan mới có thể xử lý dứt điểm được tình trạng này”.
Được biết, ngày 10-12-2018, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành Quyết định số 1840 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn TP. Cam Ranh. Theo đó, định hướng đến năm 2025, thành phố bố trí xây dựng 3 khu chăn nuôi tập trung tại thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây) quy mô 10ha, thôn Hòa Sơn (xã Cam Thịnh Đông) quy mô 10ha và thôn Giải Phóng (xã Cam Phước Đông) quy mô 20ha. Đối với xã Cam Thành Nam được định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển thành phường và xóa bỏ tất cả các trang trại chăn nuôi (vận động các trang trại di dời đến khu quy hoạch chăn nuôi tập trung hoặc chuyển đổi nghề). Vì vậy, đối với các trang trại chăn nuôi heo hiện có trên địa bàn xã Cam Thành Nam sẽ duy trì đến năm 2025 (không phát triển thêm trại mới).
THÁI THỊNH