Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang được khởi công vào cuối tháng 9-2020, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đền bù, giải tỏa được trường hợp nào. Hiện nay, nhà thầu đang tổ chức thi công ở dưới lòng sông, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, dự án có thể phải tạm dừng để chờ giải phóng mặt bằng.
Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang được khởi công vào cuối tháng 9-2020, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đền bù, giải tỏa được trường hợp nào. Hiện nay, nhà thầu đang tổ chức thi công ở dưới lòng sông, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, dự án có thể phải tạm dừng để chờ giải phóng mặt bằng.
Tiến độ đảm bảo
Tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh vẫn bảo đảm tiến độ thi công tại dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. Hiện nay, trên công trường thi công dự án có khoảng 100 công nhân, chia làm 3 ca, mỗi ca khoảng 35-40 người, được chia làm nhiều mũi thi công. Các công nhân phải thực hiện nghiêm túc 5K, đo thân nhiệt, quét mã QR hàng ngày khi đến công trường; được tổ chức ăn ở, sinh hoạt theo phương án “3 tại chỗ” một cách linh hoạt. Theo đó, từng nhóm công nhân khoảng 7-10 người thuê nhà ở xung quanh công trường, bán kính di chuyển không quá 200m, hàng ngày đi bộ đến công trường làm việc và về nhà. Các nhóm công nhân tổ chức nấu ăn, đặt lương thực, thực phẩm bằng hình thức online.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, một số công nhân có nhà trong tỉnh, hoặc tổ đội cung cấp bê tông được yêu cầu đến ở tập trung tại khu vực xung quanh công trường. Đây là khu vực khá biệt lập, xa trung tâm và chỉ có một lối ra, vào nên thuận lợi cho việc kiểm soát người đi và đến. Việc vận chuyển vật tư, thiết bị cung cấp cho công trường từ các tỉnh khác đáp ứng theo “luồng xanh”. Việc tổ chức thi công theo phương án trên đã được thực hiện từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 6. Đến nay, tại công trường chưa ghi nhận trường hợp nào F0, F1, F2.
Chính vì vậy, đến nay, tiến độ thi công dự án đảm bảo, đã hoàn thành 111/123 (90%) cọc khoan nhồi đập và cầu giao thông đối với mặt bằng thi công dưới nước; hoàn thành 7/60 (11,6%) cọc khoan nhồi cầu giao thông 2 bên bờ (hiện chưa có mặt bằng thi công); thực hiện được 15.000m3/36.000m3 (42%) bê tông đập ngăn mặn; hoàn thành 100% đóng cọc âu thuyền và đang tiếp tục thi công khung vây hố móng. Ngoài ra, nhà thầu đã hoàn thiện gia công chi tiết cơ khí tại xưởng với 1.100 tấn thép các loại (đạt 100%); lắp đặt khe cửa van trụ T4 (hiện cũng chưa có mặt bằng để tổ hợp cửa van tại công trường)…
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang do Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn gần 760 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh. Dự án được xây dựng cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu, thuộc phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang. Công trình được xây dựng với dạng đập trụ đỡ, gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, có bố trí âu thuyền và bên trên kết hợp cầu giao thông. Tổng chiều dài cầu là 400m, gồm 9 nhịp; chiều rộng ngang cầu 26m, được thiết kế 2 chiều, lề đi bộ hai bên, mỗi bên rộng 1,75m. Dự kiến cuối năm 2022, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang được khởi công ngày 25-9-2020. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong những dự án trọng điểm của tỉnh nên cần được triển khai nhanh, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, từ khi khởi công đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện bồi thường, giải tỏa được trường hợp nào. Tình trạng này gây khó khăn cho đơn vị thi công trong việc đẩy nhanh tiến độ, bởi hiện nay, nhà thầu chủ yếu thực hiện các hạng mục dưới lòng sông.
Ngày 9-8, Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh đã có báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Theo đó, dự án có 32 hộ với 34 thửa đất bị ảnh hưởng. Đến nay, hội đồng bồi thường đã thông qua phương án 5 hộ, số còn lại do vướng chính sách và hội đồng chưa bố trí được lịch họp. Dự kiến, có 16 hộ đủ điều kiện tái định cư, được bố trí vào Khu tái định cư Ngọc Hiệp. Các vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng đều liên quan đến chính sách như: Bồi thường, hỗ trợ đối với công trình, vật kiến trúc gắn liền trên đất nông nghiệp; không có giấy phép xây dựng hoặc chỉ có giấy phép xây dựng nhà ở mà không có các công trình khác nên không được bồi thường theo quy định. Có trường hợp chuyển nhượng, tách thửa sau ngày 1-1-2008 đến trước thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất nên không đủ điều kiện bồi thường về đất. Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất của dự án là mặt bằng của 17 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 2 (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh quản lý), tập trung tại khu vực hai bên đầu cầu nên nhà thầu không thể triển khai thi công.
Ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết: “Hiện nay, tiến độ thi công ngoài công trường được nhà thầu triển khai rất khẩn trương, mặt bằng chủ yếu là thuê lại của dân, phạm vi thi công hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các hạng mục công trình của dự án. Kỹ sư, công nhân cố gắng xoay sở trong phạm vi mặt bằng chật hẹp, trang thiết bị phải chứa trên các xà lan để thi công, tiềm ẩn rủi ro an toàn lao động. Nếu 2 tháng nữa vẫn không có mặt bằng thì có khả năng công trình phải tạm dừng thi công”.
VĂN KỲ