01:02, 25/02/2021

Quan tâm phát triển đô thị xanh

Với việc lồng ghép yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong tương lai, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Với việc lồng ghép yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong tương lai, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.


Cơ bản đảm bảo yếu tố môi trường


Được UBND tỉnh phê duyệt tháng 12-2016, đến nay, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, về chất lượng đô thị tỉnh, đến năm 2020, tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đô thị đạt 12,5%; 100% cơ sở sản xuất mới được xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; không có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị; 100% chất thải rắn khu công nghiệp và y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

 

Một góc TP. Nha Trang từ trên cao. Ảnh: KHOA TRẦN

Một góc TP. Nha Trang từ trên cao. Ảnh: Khoa Trần


Tại TP. Nha Trang, 100% chiều dài các đường phố chính và 93,1% đường trong khu ở và ngõ xóm được chiếu sáng; tại các đô thị còn lại đều đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt hơn 15m2/người. Diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị đạt 4,5m2/người. Việc hình thành khu đô thị mới cùng sự ra đời của các dự án vệ sinh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã góp phần tạo nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường và đảm bảo cuộc sống xanh, sạch, đẹp cho người dân đô thị.


Phát triển đô thị tăng trưởng xanh


Ngay từ thời điểm thực hiện Quyết định số 2623 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án “Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020”, UBND tỉnh đã lồng ghép yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Trong đó, UBND tỉnh đã đề ra các nội dung và phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu như: Hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án tiêu tốn năng lượng, phát thải khí nhà kính; kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại; khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch; khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch; phục hồi rừng ngập mặn; bảo tồn đa dạng sinh học…


Cùng với đó, trên cơ sở Thông tư số 01 năm 2018 quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh do Bộ Xây dựng ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tổ chức lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm để làm cơ sở triển khai các hoạt động theo quy định. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh để lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong tương lai; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp gắn với tăng trưởng xanh tại các đô thị.


Đồng thời, UBND tỉnh cũng đang ưu tiên xây dựng Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh trên địa bàn TP. Nha Trang nhằm tối đa hóa các dịch vụ cho người dân, cũng như cho các doanh nghiệp từ các lợi ích xã hội, kinh tế, môi trường.


Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình phát triển đô thị đến hết năm 2020 vẫn còn một số tồn tại. Đó là nhiều hạ tầng khung chưa hoàn thành theo tiến độ do tỷ lệ huy động vốn còn thấp so với kế hoạch đề ra (khoảng 73.618/144.964 tỷ đồng); hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã có những bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa; kết cấu hạ tầng giữa đô thị và nông thôn còn thiếu đồng bộ, làm giảm khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế của toàn tỉnh...


Trong văn bản gửi Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm bố trí và hỗ trợ vốn cho tỉnh để thực hiện các dự án hạ tầng khung tại danh mục được duyệt kèm theo Chương trình phát triển đô thị để tạo động lực phát triển cho các khu vực vệ tinh thuộc hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, hướng dẫn về việc tài trợ kinh phí để có cơ sở tận dụng và huy động các nguồn vốn ngoài xã hội trong công tác lập quy hoạch, nhằm đẩy nhanh việc phủ kín quy hoạch trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh khả năng bố trí ngân sách tỉnh còn hạn chế.


THÁI THỊNH