Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2030, 1 trong 3 vị trí quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của huyện Cam Lâm nằm ở chân núi Hòn Rắn (thôn Xuân Lập, xã Cam Tân). Tuy nhiên, qua khảo sát, UBND huyện Cam Lâm đề xuất UBND tỉnh chuyển sang chân núi Hòn Hai (cách vị trí đã quy hoạch 2km).
Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2030, 1 trong 3 vị trí quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của huyện Cam Lâm nằm ở chân núi Hòn Rắn (thôn Xuân Lập, xã Cam Tân). Tuy nhiên, qua khảo sát, UBND huyện Cam Lâm đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển sang chân núi Hòn Hai (cách vị trí đã quy hoạch 2km).
Khó khăn xử lý rác
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lâm chưa có khu xử lý rác thải sinh hoạt đúng theo quy định. Trước đây, UBND huyện chọn khu vực Dốc Đỏ (xã Cam An Nam) làm bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tạm thời. Sau hơn 12 năm hoạt động, bãi rác Dốc Đỏ đã quá tải. Mỗi ngày bãi rác phải tiếp nhận khoảng 60 tấn rác thải của 14 xã, thị trấn cộng với lượng rác thải của Khu Công nghiệp Suối Dầu và Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh. Với lượng rác thải quá lớn, việc xử lý hết rác trong ngày là bất khả thi nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Do đó, UBND huyện đã đóng cửa bãi rác từ tháng 5-2020 sau sự cố cháy bãi rác.
Sau khi bãi rác Dốc Đỏ đóng cửa, các xã phải lập các bãi rác tự phát tạm thời để tập kết khối lượng rác thải trên địa bàn trong khi chờ xây dựng bãi xử lý rác tập trung. Trong đó, rác thải trên địa bàn thị trấn Cam Đức và ở Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh được tập kết, chôn lấp trực tiếp tại khu đất do thị trấn quản lý (bình quân khoảng 15 tấn/ngày). Vị trí này rất gần khu dân cư, trường học. Rác thải trên địa bàn xã Suối Tân và Khu Công nghiệp Suối Dầu được tập kết tại thôn Dầu Sơn, gần khu dân cư và khu công nghiệp. Các xã: Cam Hải Đông, Cam Hải Tây không có vị trí tập kết, phải đổ rác tạm tại bãi rác xã Cam Tân. Xã Suối Cát tập kết rác tại khu đất trống gần khu tái định cư Suối Lau 2 (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam). Về vấn đề này, UBND tỉnh và các sở, ngành đã có ý kiến chỉ đạo di dời bãi rác tạm của xã Suối Cát sang vị trí khác. Tuy nhiên, vị trí mới vẫn không bảo đảm được các vấn đề về vệ sinh môi trường. Các xã còn lại không có bãi xử lý rác phải đổ tạm tại các khu đất trống do xã quản lý. Hiện nay, việc xử lý rác tại các xã chủ yếu là đào hố chôn lấp và đốt. Do chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý đúng quy trình, khói và mùi hôi lan tỏa khắp nơi, nguy cơ phát sinh mới các điểm ô nhiễm môi trường.
Xây dựng khu xử lý rác tại xã Cam Tân
Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2030, Cam Lâm có 3 vị trí xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, gồm: Bãi rác Dốc Đỏ; khu xử lý rác thải thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát (chưa xác định được thời gian thực hiện); khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại chân núi Hòn Rắn, thôn Xuân Lập, xã Cam Tân với quy mô 4ha.
UBND huyện đã trình UBND tỉnh xem xét đầu tư dự án Khu xử lý rác thải sinh hoạt huyện Cam Lâm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 50 tỷ đồng. Vị trí xây dựng tại chân núi Hòn Hai, thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân với diện tích 10ha. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023. |
Vừa qua, huyện đã khảo sát vị trí xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại xã Cam Tân tại chân núi Hòn Rắn. Kết quả khảo sát cho thấy, để vào vị trí này, xe chở rác phải đi đường liên xã Cam Tân - Sơn Tân. Tuy nhiên, dọc tuyến đường này dân cư sinh sống rất đông đúc và có các công trình công cộng như: Trường Tiểu học Cam Tân, chợ Cam Tân, Khu tái định cư Xuân Lập. Bên cạnh đó, xã chưa có hệ thống nước máy, người dân sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào. Vì thế, nếu xây dựng bãi xử lý rác ở đây sẽ có khả năng gây ô nhiễm mạch nước ngầm dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân và nguồn nước hồ Cam Ranh. Mặt khác, Hòn Rắn nằm phía bên kia đường cao tốc Bắc - Nam, sau khi tuyến đường xây dựng, xe chở rác thải phải đi đường vòng rất xa, qua nhiều khu dân cư mới có vị trí giao cắt với đường cao tốc. Điều này dẫn đến nguy cơ ô nhiễm và làm tăng cao chi phí vận chuyển.
Qua khảo sát, UBND huyện đề xuất chuyển vị trí xây dựng khu xử lý rác thải của huyện từ chân núi Hòn Rắn (theo quy hoạch) sang chân núi Hòn Hai. Vị trí mới chỉ cách vị trí đã quy hoạch khoảng 2km, giáp ranh giữa xã Cam Tân và Suối Tân. Vị trí tại Hòn Hai có diện tích khoảng l0ha, chủ yếu là đất không canh tác, hoang hóa, bạc màu, chỉ một phần diện tích được người dân trồng keo, xoài và chuối. Tuy nhiên, việc canh tác này chỉ mang tính chất tạm thời, không hiệu quả. Theo quy hoạch, khu vực chân núi Hòn Hai thuộc đất rừng sản xuất nên việc điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất để làm khu xử lý rác thải sẽ thuận lợi và tiết kiệm chi phí bồi thường. Mặt khác, khu vực này có địa hình sườn đồi xen lẫn thung lũng nên có thể tận dụng nguồn đất đồi tại chỗ để chôn lấp rác thải, hạn chế việc khai thác tài nguyên đất. Hơn nữa, vị trí này cách xa khu dân cư (hơn l,5km), người dân sinh sống dọc 2 bên tuyến đường này ít, tuyến đường vận chuyển đã có sẵn, chỉ đầu tư nâng cấp mặt đường không phải đền bù.
VĨNH THÀNH