09:02, 23/02/2021

Khánh Sơn: Chủ động ứng phó với khô hạn

Năm nay, mùa khô ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đến sớm hơn các địa phương khác trong tỉnh và được dự báo sẽ khá khắc nghiệt. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương rà soát, triển khai công tác chống hạn cho cây trồng.
 

 

Năm nay, mùa khô ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đến sớm hơn các địa phương khác trong tỉnh và được dự báo sẽ khá khắc nghiệt. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương rà soát, triển khai công tác chống hạn cho cây trồng.
 
Nguy cơ thiếu nước tưới
 
Những ngày trước, trong và sau Tết là thời điểm cây sầu riêng trên địa bàn xã Sơn Bình bước vào thời kỳ ra hoa, vì vậy, nhiều nông dân địa phương đã tất bật mua ống nước, kéo máy bơm để bơm nước từ sông Tô Hạp và các con suối trên địa bàn để tưới cho cây trồng. Theo ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, toàn xã có 380ha sầu riêng, trong đó 240ha đang thời kỳ ra hoa; 70ha bưởi da xanh, 80ha quýt đường, 60ha cà phê, 30ha tiêu. Trong số diện tích này, có khoảng 130ha cây ăn quả ở các khu vực: Liên Hòa, Liên Bình, Ko Lăk đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới vào khoảng tháng 4, tháng 5 tới.

 

Nông dân Khánh Sơn đã áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng của mình.
Nông dân Khánh Sơn đã áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng của mình.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp thông tin: “Hiện nay, mực nước trên sông Tô Hạp đã bắt đầu xuống rất thấp, có những đoạn trơ đáy; lượng nước trên các con suối nhỏ cũng giảm rất nhiều. Dự kiến trong các tháng nắng nóng tới đây, mực nước trên sông, suối qua địa bàn Sơn Hiệp sẽ giảm mạnh, khó có thể cung cấp đủ nước tưới cho cây trồng tại địa phương. Qua rà soát ban đầu, chúng tôi xác định năm nay có hơn 370ha cây trồng phải tưới chống hạn; trong đó, có 120ha cây trồng lâu năm tại các thôn Xà Bói, Tà Gụ, Liên Hiệp và khoảng 12ha mía tím ở thôn Liên Hiệp có nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng”. 
 
Theo thống kê của UBND huyện Khánh Sơn, trên địa bàn toàn huyện có hơn 2.700ha cây ăn quả với hơn 1.500ha sầu riêng, hơn 330ha bưởi da xanh, gần 70ha chôm chôm và hàng trăm héc-ta cây ăn quả khác. Hiện nay, các loại cây ăn quả tại Khánh Sơn đang độ ra hoa, thiếu nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Dự kiến trong 2 tháng sắp tới, diện tích cây trồng ở các khu vực suối Cối, suối Ngựa, suối Mã (xã Sơn Lâm); các thôn: Ka Tơ, Suối Me (xã Ba Cụm Nam), Tha Mang, A Thi (xã Ba Cụm Bắc), Tà Nĩa, Chi Chay, Ma O (xã Sơn Trung), Ko Lăk (xã Sơn Bình)… sẽ đối diện với tình trạng thiếu nước tưới.
 
Chủ động ứng phó
 
Hiện nay, nguồn nước người dân sử dụng để tưới cho cây trồng chủ yếu phụ thuộc vào nước trời; nước bơm từ các sông, suối trên địa bàn và một phần nguồn nước ngầm. Ngoài ra, những năm qua, huyện đã đầu tư một số đập dâng để tích nước phục vụ chống hạn cho các vùng cây trồng trọng điểm ở Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Trung, Ba Cụm Nam… Tuy nhiên, cứ vào mùa khô hàng năm, nhiều diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao lại đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới. Vì vậy, ngay từ đầu năm nay, các hộ trồng sầu riêng và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên địa bàn đã chủ động đào ao, tích nước để đảm bảo nguồn nước tưới. Đối với những diện tích xa nguồn nước, các hộ còn đào nhiều ao để bơm chuyền nước từ sông Tô Hạp lên tích trữ. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã chủ động đầu tư các hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn cây ăn quả của mình… 
 
Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ: Dự báo năm nay, tình hình khô hạn tại Khánh Sơn sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm nay, UBND huyện Khánh Sơn đã yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ khu vực thiếu nước để chủ động ứng phó; tổ chức nạo vét các đập dâng, hệ thống kênh mương để tích nước, khơi thông dòng chảy; chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động tưới tiêu, tận dụng mọi nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước tưới… Khi xảy ra hạn hán, thiếu hụt nước phải ưu tiên cấp nước đủ cho sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây ăn quả, người dân cần chủ động đào ao, tích trữ nước; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước…
 
Tuy đã phát triển thành thủ phủ cây ăn quả của tỉnh nhưng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Khánh Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, người dân và chính quyền địa phương mong muốn sớm được đầu tư 2 hồ chứa nước Sơn Trung và Tà Lương; 2 hồ này sẽ giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện. Đây cũng là điều kiện để giúp Khánh Sơn phát triển bền vững nông nghiệp.
 
HẢI LĂNG