Ngày 11-11, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình triển khai dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn.
Ngày 11-11, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình triển khai dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn.
Giải ngân quá chậm
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) Dự án phát triển tỉnh, năm 2020, ban được UBND tỉnh giao hơn 24 tỷ đồng vốn đối ứng và gần 407,8 tỷ đồng vốn ODA. Đến nay, ban mới giải ngân được gần 3,7 tỷ đồng từ vốn đối ứng (đạt 15%) và 108 tỷ đồng từ vốn ODA (đạt 26%). Dự kiến, đến hết năm 2020, ban chỉ giải ngân được 272 tỷ đồng vốn ODA (đạt 67%) và gần 14,5 tỷ đồng vốn đối ứng (đạt 60%). Nguyên nhân giải ngân vốn không đạt theo kế hoạch là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án, tiến độ phê duyệt thiết kế các hạng mục thi công còn chậm.
Cụ thể, đến nay, gói thầu NT1.21 tư vấn khảo sát thiết kế và lập hồ sơ mời thầu cho hợp phần 2 và các hạng mục hợp phần 1 tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch, lũy kế giá trị giải ngân đến tháng 10-2020 là 2,6 tỷ đồng (đạt 17% giá trị hợp đồng). Gói thầu NT1.1 xây dựng tuyến cống cấp 3 và thay thế hố ga ngăn mùi được khởi công ngày 16-10-2019, đến nay mới thi công đạt 56 tỷ đồng, đạt 68% giá trị hợp đồng, trong khi đã hết 73% thời gian thực hiện hợp đồng. Ngoài việc chậm tiến độ, nhà thầu thi công còn vi phạm hợp đồng do thi công tùy tiện, không bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, thường xuyên bị người dân và chính quyền phàn nàn. BQL dự án và tư vấn giám sát phải thường xuyên nhắc nhở. Gói thầu NT1.2 xây dựng các tuyến cống thoát nước mưa được khởi công ngày 14-10-2019, đến nay đã thi công đạt 56,4 tỷ đồng (khoảng 70% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 8% so với thời gian hợp đồng).
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc BQL Dự án phát triển tỉnh cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết không thuận lợi, còn nguyên nhân khác là do nhà thầu chưa có kế hoạch huy động thêm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ. Thời gian tới, ban sẽ cùng tư vấn giám sát tiếp tục theo dõi chặt chẽ, yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị và thời gian thi công để dần bắt kịp tiến độ. Ngoài ra, tiến độ hồ sơ của tư vấn thiết kế chậm trễ là do việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian. Ban đã cử cán bộ túc trực ở các sở, ngành trình hồ sơ lấy ý kiến trực tiếp chứ không qua bộ phận một cửa nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Phải đẩy nhanh giải phóng mặt bằng
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối tháng 10-2020, hạng mục Nhà máy xử lý nước thải phía bắc có 45 hộ bị ảnh hưởng, nhưng mới thông qua được 32 hộ, niêm yết phương án bồi thường 8 hộ, chưa có hộ nào được ban hành quyết định bồi thường. Đối với vướng mắc ở 3 tổ chức (Công ty TNHH Trung Hải, Hợp tác xã đóng tàu Thống Nhất, Hợp tác xã đóng tàu Song Thủy), ngày 20-10, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải quyết hợp đồng cho thuê đất để bàn giao mặt bằng cho dự án. Bên cạnh đó, UBND xã Vĩnh Ngọc vẫn chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc 7 thửa đất công. “Việc mua bán nhà đất của các hộ không rõ ràng, chủ yếu là giấy tờ viết tay nên công tác họp xét bồi thường gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian xác minh nguồn gốc đất”, một cán bộ BQL Dự án phát triển tỉnh cho hay.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc BQL Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa: Đề nghị TP. Nha Trang tăng cường nhân lực hỗ trợ các địa phương trong công tác xác minh nguồn gốc đất, thường xuyên tổ chức cuộc họp để xét từng trường hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. |
Dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp bị tạm dừng 2 năm nay do một số trường hợp không chịu nhận tiền bồi thường làm ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thi công vì các thửa đất đã bàn giao mặt bằng nằm xen kẽ trong các thửa chưa bàn giao. Từ tháng 7-2020, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cưỡng chế các trường hợp này. Ngày 31-7, UBND TP. Nha Trang cũng đã có văn bản đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND phường Ngọc Hiệp triển khai các công việc để thực hiện cưỡng chế, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đoàn công tác của WB đánh giá cao những nỗ lực của Khánh Hòa trong việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án, trong đó có nhiều hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, về cơ bản, tiến độ dự án vẫn còn chậm do vướng mắc một số thủ tục về giải ngân vốn, đấu thầu, nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Qua kiểm tra thực tế các gói thầu và hạng mục thi công, các chuyên gia của WB cũng lưu ý một số vấn đề về môi trường khi triển khai thực hiện các hạng mục, bảo đảm chất lượng các hạng mục đã hoàn thành; chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc vận hành, bảo vệ các hạng mục của dự án. Ông Lê Duy Hưng - Trưởng đoàn công tác WB cho rằng, các tỉnh khác có dự án chỉ chậm giải ngân cao nhất 50%, nhưng Nha Trang chậm đến 70% là điều rất đáng lo ngại. Nếu BQL Dự án phát triển tỉnh và các đơn vị liên quan không có giải pháp đột phá thì có khả năng sẽ bị cắt vốn.
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Hữu Hoàng giao UBND TP. Nha Trang xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án theo các mốc thời gian, từng thời điểm theo cam kết với WB. Đồng thời, có biện pháp tăng cường nhân lực, tăng cường các cuộc họp hội đồng bồi thường từ 2 đến 3 lần/tuần, kể cả làm việc ngoài giờ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, bảo đảm mục tiêu các mốc thời gian đề ra.
Văn Kỳ
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: UBND TP. Nha Trang phải hoàn thành công tác xác minh nguồn gốc đất và giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền tại xã Vĩnh Ngọc trước ngày 30-11; rà soát và triển khai cưỡng chế đối với các hộ không hợp tác thực hiện dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp.