10:03, 12/03/2020

Không để dịch chồng dịch trên gia súc, gia cầm

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm...

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tại Khánh Hòa, quyết tâm không để dịch chồng dịch đang được đặt lên hàng đầu.
 
Dịch bệnh phức tạp
 
Ngày 9-3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cả nước đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm. Đây là các chủng vi rút có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Cả nước cũng ghi nhận hơn 100 ổ dịch lở mồm long móng tại 9 tỉnh, thành phố làm hàng nghìn con gia súc mắc bệnh và hàng trăm con chết. Bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xảy ra rất trầm trọng vào năm 2019, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng và ảnh hưởng lớn đến chỉ số CPI…

 

Một hộ chăn nuôi gà ở huyện Cam Lâm. Ảnh: KHÁNH NINH
Một hộ chăn nuôi gà ở huyện Cam Lâm. Ảnh: KHÁNH NINH

 

 
Tại Khánh Hòa, 1 ổ cúm gia cầm chủng H5N6 cũng đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi quy mô gần 2.500 con gà ở Cam Lâm. Cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, có các biện pháp xử lý cần thiết, khoanh vùng, khống chế, không để dịch lây lan. Dịch tả heo châu Phi vào cuối năm 2019 đã cơ bản được khống chế. Có những thời điểm trong 3 tuần liên tiếp không xuất hiện ổ dịch mới. Tuy nhiên, ngày 6-1-2020, ASF xuất hiện trở lại và rải rác xảy ra ở các hộ chăn nuôi tại Khánh Vĩnh, Cam Ranh và Diên Khánh. Tuy số lượng và tần suất đã giảm hẳn so với trước, nhưng ASF vẫn dai dẳng, gây khó khăn cho người chăn nuôi.
 

 

Một doanh nghiệp chăn nuôi heo ở thị xã Ninh Hòa.
Một doanh nghiệp chăn nuôi heo ở thị xã Ninh Hòa.
 
Tập trung khống chế
 
Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, với quyết tâm không để dịch chồng dịch, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 trên người đang diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Toàn tỉnh cũng vừa thực hiện xong “Tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi”. Trong đợt này, gần 6.400 lít hóa chất (HanIodine và BenKocid) đã được các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phun tiêu độc, khử trùng ở các khu vực được xác định nguy cơ cao. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và người chăn nuôi, đến thời điểm này, ASF cơ bản đã được khống chế. Các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, heo tai xanh trên gia súc và cúm trên gia cầm không xảy ra.
 
Liên quan đến hoạt động tái đàn sau dịch bệnh, cơ quan chuyên môn cho biết, tuy ASF đã tạm lắng, nhưng nguy cơ dịch bệnh tái phát vẫn còn cao, vì vậy, hầu hết các hộ chăn nuôi chưa tổ chức tái đàn. Hiện các hộ chăn nuôi đang tập trung triển khai các giải pháp phòng bệnh cần thiết trên đàn gia cầm, trong đó chú trọng hoạt động tiêm phòng. Về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với chăn nuôi, ông Lê Thắng cho biết, quy mô chăn nuôi của Khánh Hòa không lớn nên tác động cũng không cao như một số tỉnh, thành trọng điểm về chăn nuôi. Dù vậy, nguồn cung và nguyên liệu để làm ra thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng bị ảnh hưởng.
 
Thời gian đến, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, ngành Thú y tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi; triển khai đồng bộ, quyết liệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật; tiếp tục tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh, kiểm soát giết mổ động vật.
 
Hồng Đăng