10:03, 11/03/2020

Khởi nghiệp từ rác thải

Năm 2019, ông Trần Thiện Toàn (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) đã cùng một số thanh niên trong xã xây dựng mô hình khởi nghiệp từ rác thông qua việc xử lý bằng ruồi lính đen. Bước đầu, mô hình đã có hiệu quả, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế.
 

Năm 2019, ông Trần Thiện Toàn (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã cùng một số thanh niên trong xã xây dựng mô hình khởi nghiệp từ rác thông qua việc xử lý bằng ruồi lính đen. Bước đầu, mô hình đã có hiệu quả, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế.
 
Hiệu quả bước đầu
 
Đầu năm 2019, ông Toàn thành lập nhóm khởi nghiệp từ rác với 7 thành viên. Công việc hàng ngày của nhóm là thu gom rác ở khu dân cư và dọc bờ biển tại thôn Đầm Môn đưa về bãi rác của xã. Tuy nhiên, do lượng rác lớn, trung bình mỗi ngày khoảng 6 tấn nên việc xử lý rác gặp khó khăn. Qua tìm hiểu, ông Toàn quyết định áp dụng mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng ruồi lính đen. Đây là mô hình được một số nước Đông Nam Á và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long áp dụng khá thành công. Các thành viên đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở xử lý rác hữu cơ khoảng 100 triệu đồng. Vừa làm, vừa học hỏi, sau 3 lần, mô hình đã mang lại kết quả tích cực. “Trong vòng đời khoảng 30 ngày từ trứng - ấu trùng - nhộng - ruồi, 1 tạ ấu trùng có thể xử lý 8 tạ rác trong 1 ngày”, ông Toàn cho biết.

 

Xử lý rác hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen.
Xử lý rác hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen.
 
Tại mô hình, rác hữu cơ được đưa vào 10 ô có diện tích 2m2/ô để làm thức ăn cho ruồi lính đen. Trung bình mỗi ngày, mô hình xử lý hơn 2 tấn rác. Sau hơn 2 tháng áp dụng, lượng rác tại khu vực tập kết giảm mạnh nên ô nhiễm môi trường và mùi hôi cũng bớt nhiều. 
 
Bên cạnh đó, mô hình còn mang hiệu quả về kinh tế. Trứng và nhộng của ruồi có thể dùng làm thực phẩm cho chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Trước mắt, ông Toàn thử nghiệm cho bè nuôi cá chim của gia đình với số lượng 1.000 con và cho kết quả khả quan. Chi phí thức ăn giảm đến 90%, cá phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, trứng ruồi còn được bán giống với giá hơn 30 triệu đồng/kg. “Để tận dụng hết hiệu quả mô hình, chúng tôi đang tính cách sử dụng phân và xác ruồi để nuôi trùn quế”, ông Toàn cho biết.
 
Hướng tới tạo môi trường xanh, sạch
 
Theo ông Toàn, với mong muốn mang lại môi trường xanh, sạch cho quê hương, nhóm đang mở rộng quy mô thu gom và xử lý rác không chỉ ở thôn Đầm Môn mà cả các thôn đảo của xã Vạn Thạnh. Nhóm còn hướng đến chung tay trong công tác an sinh xã hội như: cải tạo các khu vực bãi rác thành khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng… Dự định là vậy nhưng nhóm cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, nhóm mới xử lý được rác hữu cơ chứ chưa xử lý triệt để rác vô cơ. Vì thế, nhóm đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành đầu tư hệ thống xử lý rác vô cơ để mô hình đạt hiệu quả cao nhất.

 

Lấy trứng ruồi lính đen.
Lấy trứng ruồi lính đen.
 

Ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh cho biết, mô hình của nhóm đã góp phần giúp địa phương giải quyết vấn đề về rác thải; giúp môi trường sạch hơn trước. Hội đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nhóm trong quá trình hoạt động. Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm mở rộng quy mô xử lý rác, phát huy hiệu quả cao nhất của mô hình.

Ruồi lính đen là côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, dài 12 - 20mm, hình dạng giống loài ong. Ruồi trưởng thành không có miệng, đẻ từ 500 đến 800 trứng, chỉ sống khoảng 3 - 5 ngày và hoàn toàn không ăn uống gì cho đến chết. Ấu trùng ăn tất cả các chất thải hữu cơ nên được dùng để xử lý rác thải. Ấu trùng là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho nuôi heo, gia cầm, thủy sản; phân của ấu trùng dùng để chăm bón cây trồng, thức ăn cho trùn quế. 
 
Ông Lê Hoàng Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh đánh giá, mô hình nuôi ruồi lính đen xử lý rác thải từ trứng và ấu trùng phát triển khá mạnh ở các tỉnh phía nam và bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao. Từ thực tiễn các mô hình hiện có ở các tỉnh phía nam, có thể thấy loại ruồi này không gây hại cho môi trường, con người, cây trồng. Tuy nhiên, địa phương vẫn khuyến cáo ông Toàn xây dựng khu nuôi ruồi xử lý rác thải ở xa khu dân cư và vây kín khu nuôi.
 
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết, đây là mô hình xử lý rác thải bằng ruồi lính đen đầu tiên trên địa bàn huyện. Hiệu quả ban đầu của mô hình là khả quan, nhưng cần phải có thêm thời gian để đánh giá một cách toàn diện hơn. Do đó, huyện đã yêu cầu nhóm khởi nghiệp và chính quyền địa phương phải đảm bảo an toàn việc nuôi, nhốt ruồi khép kín, tránh để ruồi thoát ra ngoài môi trường.
 
THANH HẢI