11:03, 10/03/2020

Khánh Sơn: Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt

Tuy mới bước vào đầu mùa khô hạn nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tỏ ra "hụt hơi" bởi nguồn nước đầu nguồn đã bị suy giảm. Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt đang hiển hiện trước mắt người dân Khánh Sơn. 
 

 

Tuy mới bước vào đầu mùa khô hạn nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tỏ ra “hụt hơi” bởi nguồn nước đầu nguồn đã bị suy giảm. Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt đang hiển hiện trước mắt người dân Khánh Sơn. 
 
Nổi lo cận kề
 
Mới bước vào đầu mùa khô nhưng những ngày qua, hàng chục hộ dân khu vực xóm Đỉnh Đèo (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) đã phải chắt chiu từng can nước được lấy từ 2 con suối nhỏ cạnh Tỉnh lộ 9. Ông Cao Danh - người dân địa phương cho hay: “Hơn 4 tháng qua, trên địa bàn huyện không có mưa, nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước tự chảy từ trên núi xuống. Bây giờ nước đầu nguồn cũng cạn kiệt, tôi phải tranh thủ buổi trưa vắng người để đi chở nước về dùng. Mỗi ngày chở 2 - 3 lần mới đủ nước sử dụng cho 5 người”.

 

Nước sinh hoạt của người dân xóm Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc) bắt đầu cạn kiệt.
Nước sinh hoạt của người dân xóm Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc) bắt đầu cạn kiệt.
 
Hiện nay, toàn xã Ba Cụm Bắc có 650 hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ hệ thống nước tự chảy của xã và nước sạch từ Nhà máy nước Tô Hạp, đạt tỷ lệ 96%, riêng các hộ ở xóm Đỉnh Đèo vẫn còn khó khăn về nguồn nước. Điều đáng lo hơn cả là hệ thống cấp nước tự chảy của địa phương qua các đợt mưa lũ đã bị xuống cấp, đầu nguồn không có kè bảo vệ nên đất đá đổ về nhiều, gây tắc nghẽn và ô nhiễm; hệ thống kè giữ nước đã bị hư hỏng khiến lượng nước thất thoát nhiều.
 
Cùng với nỗi lo thiếu nước tưới cho các vườn cây ăn quả đang độ ra hoa, người dân và lãnh đạo xã Sơn Bình cũng đứng ngồi không yên khi nỗi lo thiếu nước sinh hoạt cũng đã cận kề. Hiện nay, địa phương này có 3 công trình cấp nước, gồm: hệ thống nước sinh hoạt Xóm Cỏ, Liên Bình và Ko Lăk. 3 hệ thống cấp nước này đảm nhận cấp nước cho gần 2.200 người trong tổng số gần 3.000 người dân địa phương. Điều đáng lo là cả 3 hệ thống nước sinh hoạt này đều đã hư hỏng, xuống cấp; tỷ lệ cấp nước cho các hộ dân trong mùa hạn năm nay chỉ đạt khoảng 50%.
 
Tương tự, hệ thống cấp nước ở Ba Cụm Bắc và xã Sơn Bình, mùa hạn năm nay, tỷ lệ cấp nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Sơn Lâm chỉ đạt 50%, xã Ba Cụm Nam chỉ đạt 12%, xã Thành Sơn và Sơn Hiệp chỉ đạt 70%, xã Sơn Trung chỉ đạt 40%.
 
Ưu tiên nước sinh hoạt
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn chưa có công trình thủy lợi vừa thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu, vừa cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ngoài Nhà máy nước Tô Hạp (do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa quản lý) mới được đầu tư, nâng cấp để đảm bảo cấp nước cho thị trấn Tô Hạp và một số vùng phụ cận, các công trình cấp nước ở 7 xã còn lại chủ yếu là công trình nước tự chảy. Các công trình nước tự chảy đã được đầu tư từ lâu nên hầu hết đều xuống cấp, hư hỏng nặng. Mặt khác, nguồn nước đầu nguồn các hệ thống cấp nước này cũng đang thiếu hụt nhanh chóng. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Cao điểm mùa hạn năm nay, địa phương ưu tiên tối đa nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện mọi biện pháp để tích trữ nguồn nước; tiến hành kiểm tra, nạo vét các bể chứa; khắc phục các sự cố hỏng hóc để tích trữ nước đầu nguồn các hệ thống cấp nước. Về phía Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa cũng đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa đầu mối thu nước để đảm bảo tích nước tối đa cho Nhà máy nước Tô Hạp. Hiện chúng tôi đang tiếp tục rà soát các khu vực nguy cơ cao thiếu nước trong mùa hạn để thực hiện các biện pháp cấp nước bổ sung như: đào giếng, khoan giếng cấp nước công cộng, đấu nối hệ thống nước sinh hoạt; tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp nước cho người dân”. Ông Hiếu cũng lưu ý người dân là dự báo hạn hán năm nay sẽ diễn ra gay gắt, do đó người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng các biện pháp để tích trữ nước sinh hoạt trong các tháng cao điểm.
 
HẢI LĂNG