10:02, 09/02/2020

Cải tạo, phục hồi môi trường khai thác khoáng sản: Còn bất cập

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, việc cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản còn một số bất cập; chưa thực hiện tốt theo yêu cầu, quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, việc cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản còn một số bất cập; chưa thực hiện tốt theo yêu cầu, quy định của pháp luật.


Một số dự án chưa đảm bảo


Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 60 dự án khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: đất san lấp, cát, đá. Một số dự án khai thác đá Granite ở huyện Vạn Ninh, huyện Diên Khánh được Bộ TN-MT cấp phép. Hầu hết các dự án khai thác khoáng sản có thời gian dài (tối đa 30 năm), do đó việc phục hồi môi trường (PHMT) tùy thuộc vào lộ trình khai thác, thời gian đóng cửa mỏ. Qua rà soát, phần lớn các dự án khai thác khoáng sản chưa hết thời hạn. Một số dự án tuy hết thời hạn nhưng việc PHMT chưa được triển khai hoặc triển khai cầm chừng. Điển hình là 2 dự án khai thác cát trắng tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Đến nay, việc cải tạo, PHMT của các dự án này chưa đạt yêu cầu, ngành chức năng phải nhắc nhở.

 

Hiện trường khai thác cát trắng nhếch nhác ở xã Cam Hải Đông.

Hiện trường khai thác cát trắng nhếch nhác ở xã Cam Hải Đông.


Cụ thể, dự án khai thác cát trắng của Công ty Khai thác, chế biến khoáng sản xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu, dịch vụ Đầu tư Vận tải biển Khánh Hòa, nay là Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa (Minexco) được Bộ Công nghiệp nặng (trước đây) cấp phép khai thác mỏ cát trắng tại thôn Thủy Triều, Cam Hải Đông (ngày 25-8-1990) với trữ lượng khai thác là 22,82 triệu tấn, công suất khai thác 1 triệu tấn/năm. Ngày 16-12-2013, UBND tỉnh có thông báo yêu cầu Minexco phải hoàn tất việc PHMT theo phương án được duyệt tại khu vực mỏ cát Thủy Triều, từng bước trả lại đất cho địa phương và chấm dứt việc khai thác trước ngày 31-12-2013. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này chỉ PHMT được 62,7 ha, 35 ha còn lại vẫn chưa tiến hành.


Tương tự, Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 TNHH Một thành viên Công ty Cát trắng Cam Ranh (Fico) được Bộ Công nghiệp nặng cấp phép khai thác cát trắng tại Thủy Triều, Cam Hải Đông (ngày 8-10-1990) với tổng diện tích 236,25 ha. Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ TN-MT (ngày 25-12-2008), UBND tỉnh đồng ý cho Fico tiếp tục khai thác theo lộ trình, kế hoạch khai thác 2 năm/lần nhưng phù hợp với thực tế tại địa phương. Ngày 16-11-2015, UBND tỉnh có văn bản giao Fico khai thác trong phạm vi 1,1 ha, sản lượng 90.000m3, hạn chót đến ngày 31-12-2016. Ngày 5-9-2017, UBND tỉnh yêu cầu Fico hoàn thổ và PHMT toàn bộ khu vực khai thác cát trắng tại Bãi Dài, Cam Lâm. Sở TN-MT cũng yêu cầu đơn vị lập đề án đóng cửa mỏ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, đơn vị này đã lập xong đề án nhưng chưa được Bộ TN-MT phê duyệt. Do đó, việc PHMT vẫn còn dở dang.


Theo ông Nguyễn Trọng Khương - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, hiện nay, tại nơi 2 đơn vị nói trên khai thác cát, hiện trường vẫn còn nhếch nhác, nhiều hố nước sâu chưa được san lấp, gây nguy hiểm cho người dân.

Kiến nghị phục hồi trước, đóng mỏ sau


Theo quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản (Nghị định 19/2015 của Chính phủ quy định một số điều Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư 38/2015 của Bộ TN-MT cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản), tất cả các dự án khai thác khoáng sản đều phải xây dựng phương án cải tạo, PHMT và thực hiện ký quỹ cải tạo PHMT. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tổ chức, cá nhân đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, PHMT theo phương án được phê duyệt. Hiện nay, Sở TN-MT yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản báo cáo việc cải tạo PHMT trong hoạt động khai thác khoáng sản.


Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở TN-MT, khó khăn lớn nhất trong công tác cải tạo, PHMT sau khai thác khoáng sản là phương án cải tạo, PHMT được duyệt cách đây nhiều năm, số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi được tính toán theo đơn giá cũ nên rất lạc hậu. Do đó, nếu xảy ra việc một đơn vị ngưng hoạt động, đóng cửa mỏ, “bỏ của chạy lấy người” thì cơ quan chức năng không đủ kinh phí để cải tạo, PHMT.


Được biết, Sở TN-MT đang rà soát lại các dự án trước đây được bộ và tỉnh cấp phép để xem dự án nào hết thời hạn thì chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, sở kiến nghị Bộ TN-MT cho phép tiến hành cải tạo PHMT trước khi đóng cửa mỏ; đồng thời đề nghị tỉnh giao cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc cải tạo PHMT khi chủ dự án khai thác khoáng sản không thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, vì hiện nay vẫn chưa có quy định.


V.L