UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án xây dựng ngầm đô thị, quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật TP. Nha Trang với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 102 tỷ đồng, giai đoạn 2018 - 2025.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt đề án xây dựng ngầm đô thị, quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật TP. Nha Trang với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 102 tỷ đồng, giai đoạn 2018 - 2025.
Theo ông Trần An Khánh - Bí thư Thành ủy Nha Trang, việc hạ ngầm nằm trong tổng thể chung để xóa dần tình trạng những đường điện, cáp viễn thông chằng chịt ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Mặt khác, hiện nay, Nha Trang đang phát triển các khu đô thị mới mà yêu cầu bắt buộc là phải hạ ngầm. Tuy nhiên, nếu không xây dựng các chuẩn ngầm hóa thì mỗi nhà đầu tư sẽ làm một kiểu và sẽ chọn những giải pháp rẻ nhất để thực hiện hạ ngầm. Các khu đô thị mới sau khi vận hành một thời gian sẽ bàn giao cho thành phố quản lý nên nếu không đưa ra các chuẩn hạ ngầm thì thành phố sẽ phải tiếp nhận hạ tầng ngầm không đạt chuẩn và sẽ phải bỏ ra nhiều kinh phí để duy tu bảo dưỡng. Vì thế, từ nay trở đi, các khu đô thị mới phải hạ ngầm đúng chuẩn đã được tỉnh quy định. Đối với các khu đô thị cũ, sẽ phải từng bước xử lý tùy khả năng ngân sách và xây dựng cơ chế kêu gọi thu hút đầu tư. Các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại lớn khi xây dựng buộc phải hạ ngầm các công trình trước mặt và xung quanh. Sau đó, ngân sách sẽ đầu tư để khớp nối dần. Những tuyến đường đầu tư mới sẽ buộc phải hạ ngầm theo chuẩn đã ban hành.
Mục tiêu đề án nhằm: quản lý tập trung hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị hướng tới quản lý đô thị bằng công nghệ số; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị; tăng cường xã hội hóa việc đầu tư công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư; tạo không gian thoáng để phát triển hạ tầng cây xanh đô thị. |
Theo đề án, đối với các khu đô thị mới, các tuyến đường đầu tư mới hoặc nâng cấp mở rộng theo quy hoạch, chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đồng bộ, trong đó, phải đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị: tuy nen kỹ thuật, hào kỹ thuật, cống bể kỹ thuật để bố trí, lắp đặt chung hệ thống đường dây điện, cáp thông tin. Cụ thể, đối với các tuyến đường cao tốc, trục chính đô thị, đường vành đai có chỉ giới từ 60m trở lên cần nghiên cứu xây dựng tuy nen kỹ thuật. Đối với các tuyến đường trục chính đô thị, đường liên khu vực, đường chính khu vực có chỉ giới từ 16m trở lên phải xây dựng hào kỹ thuật. Đối với các dự án trung tâm thương mại, tòa nhà hỗn hợp, khách sạn tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, chủ đầu tư phải đầu tư hạ ngầm đường dây đi nổi trên phần đường giao thông quanh khuôn viên dự án. Đối với các khu đô thị thuộc khu vực trung tâm thành phố, căn cứ vào quy mô cấp đường, giá trị sinh lợi, mức độ hoàn thiện để đánh giá mức độ ưu tiên cho các tuyến đường; có kế hoạch phân kỳ đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây đi nổi; ưu tiên hạ ngầm đối với các tuyến đường trục chính, trục cảnh quan thành phố. Đối với các tuyến đường trục chính cần phải tính toán quy hoạch định hướng phát triển mạng lưới để xây dựng hào kỹ thuật dự phòng công suất sau này. Đối với các tuyến đường khu vực, đường nội bộ khu ở có công suất vận hành ổn định, không phát triển mạng lưới có thể xây dựng hào kỹ thuật hoặc cống bể kỹ thuật để tiết kiệm chi phí. Đối với các khu vực còn lại, lưới điện, cáp viễn thông có thể bố trí đi nổi nhưng phải bó gọn gàng đảm bảo mỹ quan; khuyến khích xây dựng hào kỹ thuật hoặc cống bể kỹ thuật để bố trí chung đường dây đi nổi.
Ông Trần An Khánh cho biết, việc triển khai hạ ngầm sẽ gặp một số khó khăn như: chưa có sự đồng bộ với các quy hoạch điện lực, viễn thông và một số quy hoạch nên khi hạ ngầm buộc phải điều chỉnh các quy hoạch đó; chưa có cơ chế quản lý, vận hành, khai thác hạ ngầm này như thế nào. Trước mắt, sẽ ngầm hóa đối với các công trình mới hóa và cải tạo một số tuyến đường trục cảnh quan của thành phố. Hiện nay, đường Nguyễn Thiện Thuật đoạn mới nối vào sân bay đã làm hào kỹ thuật sẵn để thực hiện ngầm hóa, sau đó, sẽ hạ ngầm đường Lê Thánh Tôn và tìm cơ chế huy động xã hội để ngầm hóa ở tuyến đường Trần Phú.
NAM DU