10:01, 28/01/2018

Khó khăn trong xử lý công trình xây dựng vi phạm

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn còn nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân do còn nhiều bất cập, vướng mắc từ các nghị định và luật, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.
 

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn còn nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân do còn nhiều bất cập, vướng mắc từ các nghị định và luật, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.
 
 
Nhiều vi phạm 
 
 
Theo Thanh tra Sở Xây dựng, trong năm 2017, tuy đơn vị đã tích cực thanh tra, kiểm tra các công trình nhưng do số lượng dự án quá lớn, nhân lực hạn chế nên vẫn để xảy ra nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng. Các hành vi vi phạm phổ biến là thi công công trình không che chắn, hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xuống các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, nhiều công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng nhà dân. 
 
 
Nghiêm trọng nhất là các dự án thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp, hoặc thi công không có giấy phép xây dựng. Đơn cử, công trình Mường Thanh Khánh Hòa đã được Sở Xây dựng yêu cầu điều chỉnh, chỉ cho phép xây 40 tầng cho phù hợp với quy hoạch nhưng chủ đầu tư vẫn xây lên 43 tầng rồi dừng lại từ năm 2016 đến nay. Trong khi đó, chủ đầu tư khách sạn Bavico đã thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng, gồm: mở rộng khối đế về phía nhà hàng Lạc Cảnh từ tầng 1 đến tầng 6 và tầng lửng; giấy phép xây dựng được cấp từ tầng mái đến đỉnh vòm vương miện nhưng chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế thành 2 tầng (tầng 23 và tầng 24), với công năng sử dụng làm phòng tổ chức hội nghị, hội thảo và bar rượu. Ngoài ra, chủ đầu tư còn vi phạm quy hoạch nút giao thông và khoảng lùi công trình, xây dựng 3 công trình phía trước giáp các tuyến đường: Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu và Ngô Quyền.
 
 
Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong năm 2017, Thanh tra sở đã kiểm tra 560 trường hợp về trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện 126 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 34 trường hợp xây dựng không phép, 46 trường hợp xây dựng sai giấy phép, còn lại là các hành vi vi phạm khác. Chánh Thanh tra sở đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,8 tỷ đồng. Hầu hết các công trình vi phạm đã chấp hành quyết định xử lý của Thanh tra sở như: xin cấp giấy phép, điều chỉnh giấy phép, khắc phục sai phạm… Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tồn tại một số công trình chưa xử lý vi phạm trật tự xây dựng triệt để như: công trình Mường Thanh Khánh Hòa, khách sạn Bavico...

 

Khách sạn Bavico có nhiều vi phạm trật tự xây dựng.
Khách sạn Bavico có nhiều vi phạm trật tự xây dựng.
 
 
Còn khó khăn trong xử lý
 
 
Tính đến tháng 12-2017, trên địa bàn tỉnh có 756/5.361 công trình xây dựng sai quy định, chiếm 14,1%, trong đó tại địa bàn TP. Nha Trang có 321/3.244 công trình xây dựng sai quy định, chiếm 10%. Số liệu trên cho thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng đang gặp nhiều khó khăn.
 
 
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, trong quá trình thực hiện Nghị định 180/2007 và Nghị định 121/2013 của Chính phủ về công tác quản lý trật tự trong hoạt động xây dựng đã có nhiều vướng mắc và bất cập khi xử lý. Từ khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực thi hành, việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng càng khó khăn hơn, vì nhiều lý do. Hai nghị định trên có nhiều nội dung trái với quy định của Luật Xây dựng năm 2014, nhưng chưa có nghị định sửa đổi bổ sung kịp thời, gây khó khăn hơn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, hiện nay không có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những công trình xây dựng không có giấy phép nằm trong khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Do vậy, không thể thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp này. Luật Xây dựng năm 2014 quy định, công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; còn nhà ở riêng lẻ ở nông thôn là nhà ở thuộc trường hợp các công trình được miễn giấy phép xây dựng. Quy định này dẫn đến không quản lý được quy hoạch xây dựng nhà ở tại các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng tiếp giáp khu trung tâm các đô thị, gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai.
 
 
Ông Lê Văn Dẽ cho rằng, hiện nay, không có quy định cụ thể về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý vi phạm hành chính, chế tài xử lý việc không chấp hành thực hiện pháp luật. Việc không còn áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước... đối với công trình vi phạm dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Trong khi đó, quy định tại Điểm đ Khoản 3, Điều 5 và Khoản 9 Điều 13 tại Nghị định 121/2013 có nội dung, chủ đầu tư sau khi nộp phạt có thể được xem xét cấp phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Trên thực tế, chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm trật tự xây dựng, dẫn đến công tác quản lý ít hiệu quả.
 
 
VĂN KỲ