Các đơn vị và địa phương liên quan đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng 11 nút giao thông kết nối khu vực sân bay Nha Trang. Ở dự án trọng điểm này, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù riêng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Các đơn vị và địa phương liên quan đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng 11 nút giao thông kết nối khu vực sân bay Nha Trang. Ở dự án trọng điểm này, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù riêng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Người dân vẫn còn băn khoăn
Gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn (48A Biệt Thự, phường Tân Lập) nằm trong diện giải tỏa trắng 2 lô tại nút giao thông số 14. Hiện tại, gia đình ông chưa cho các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm kê khối lượng giải tỏa. Ông Sơn cho biết: “Đây là lần thứ 2 gia đình bị giải tỏa. Lần trước khi làm đường Trần Phú, gia đình chấp hành tốt chủ trương. Lần này lại bị di dời, tôi rất tâm tư. Gia đình chưa cho kiểm kê bởi chúng tôi chưa nắm rõ được thông tin lộ trình dự án như thế nào, giải tỏa chúng tôi đi về đâu, cơ quan nào đứng ra giải quyết, giá đền bù như thế nào? Nếu giá đền bù hợp lý và chỗ ở tái định cư (TĐC) tốt thì chúng tôi sẽ chấp nhận di dời”.
Nằm trong diện giải tỏa ở nút giao thông số 14, gia đình ông Đồng Văn Thuận (số 44/12 Biệt Thự, Tân Lập) hiện đang ở và kinh doanh khách sạn. Ông Thuận cho rằng: “Các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích chung, gia đình tôi đều đồng ý. Tuy nhiên, tôi muốn cơ quan chức năng phải đưa ra giá đền bù hợp lý. Gia đình tôi loay hoay vay mượn mãi mới xây được khách sạn 9 tầng, mới đi vào hoạt động được mấy năm thì lại bị giải tỏa, như vậy thực sự chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi kiến nghị, nếu di dời đi nơi khác thì tỉnh cho tôi thuê hoặc mua một lô đất giá nhà nước để tiếp tục kinh doanh. Đồng thời, nếu giải tỏa tôi xin là người cuối cùng dời đi để tận thu”.
Còn gia đình ông Lâm Quang Minh (33A Biệt Thự) thì cho rằng, hiện nay, gia đình đang có 7 nhân khẩu là anh, chị em đang ở cùng một nhà. Đồng thời, lô đất đang ở của bố mẹ để lại cùng đứng tên một sổ đỏ. Trong khi đó, gia đình bị thu hồi 31m2/64,9m2. Như vậy, với diện tích còn lại có đủ điều kiện để xây nhà mà không được TĐC, vậy là quá thiệt thòi. 7 anh chị em, người nhỏ nhất cũng hơn 40 tuổi sẽ phải ở thế nào. “Chúng tôi kiến nghị Nhà nước có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho gia đình. Đồng thời, có hướng cho TĐC tại chỗ; giá đền bù cũng phải tăng lên”, ông Minh kiến nghị.
Bà Đặng Thị Phương Mai - Chủ tịch UBND phường Tân Lập thông tin, tại nút giao thông 14 có 41 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện nay đã có 29 trường hợp cho kiểm kê khối lượng, còn 12 trường hợp chưa cho kiểm kê. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phường đã nhiều lần tổ chức vận động, tuy nhiên số hộ này chưa đồng ý vì cho rằng giá đền bù quá thấp; khu TĐC so với mặt bằng hiện tại là một khoảng cách xa, khó làm ăn. Người dân mong muốn được TĐC tại chỗ. Ngoài nút giao thông số 14, tại một số nút giao kết nối sân bay Nha Trang cũng xảy ra tình trạng người dân còn băn khoăn về giá đền bù và nơi TĐC, điển hình như: nút số 7, số 8, số 5…
Có chính sách ưu đãi
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án các nút giao thông kết nối khu vực sân bay Nha Trang được xác định là trọng điểm của tỉnh với tính cấp thiết để giải quyết ách tắc giao thông và kết nối với các tuyến đường, các khu dân cư. Phải mất nhiều năm xin chủ trương của Chính phủ, địa phương mới thực hiện được dự án, vì vậy tỉnh rất quan tâm đến tiến độ triển khai.
Chính vì tính cấp bách và quan trọng của dự án nên tỉnh đã rất quan tâm lắng nghe những phản biện của xã hội, liên tục có điều chỉnh cho hợp lý với tình hình thực tế và đặc biệt là có chính sách đặc thù riêng. Theo ông Nguyễn Tiến Lưu - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, ở dự án này, tỉnh đã có những chính sách rất ưu đãi đối với công tác giải phóng mặt bằng và TĐC. Cụ thể, tại Quyết định 2775 tỉnh phê duyệt giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau khi xem xét và lắng nghe ý kiến của người dân, tỉnh đã có văn bản số 2965 với nội dung đồng ý chủ trương hỗ trợ thêm đối với những trường hợp bị ảnh hưởng. Đồng thời, tỉnh cũng đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh giá đến tận các điểm giao cắt trong cùng nút, từng vị trí. Cùng với việc tăng giá đền bù thì chính sách TĐC cho các hộ bị giải tỏa cũng được quan tâm. Theo đó, các hộ bị giải tỏa được bố trí TĐC ngay trong sân bay Nha Trang với cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ.
Thu hẹp khối lượng giải tỏa
Ngày 29-9-2016, UBND tỉnh có Quyết định 2910 phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông trong đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) một số khu vực thuộc Khu Trung tâm đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang và các tuyến đường, nút giao thông kết nối. Theo quyết định này, tổng phạm vi thực hiện dự án các nút giao thông (không tính phần diện tích phía tây Lê Hồng Phong của nút N5 và mở đường Nguyễn Thị Định 1A kéo đến đường số 4 của nút N6) là hơn 89.260m2; số thửa thuộc diện giải tỏa các nút giao là 322 thửa, trong đó hộ gia đình, cá nhân là 288 thửa (giải tỏa toàn bộ 138 thửa), tổng số lô TĐC là 166 lô (đã có 20% dự phòng); tổng số phương án bồi thường, hỗ trợ cần lập là 314. Tuy nhiên, ngày 17-7, UBND tỉnh có Quyết định 2056 điều chỉnh cục bộ một số nội dung, trong đó chủ yếu về các nút giao thông (điều chỉnh cho Quyết định 2910). Theo đó, tổng phạm vi thực hiện dự án thu hẹp còn hơn 65.974m2; tổng số thửa bị giải tỏa để thực hiện dự án còn 223 thửa, trong đó 192 thửa hộ gia đình, cá nhân (giải tỏa toàn bộ 97 thửa); dự kiến tái định cư 116 lô (trong đó có 20% dự phòng); tổng phương án bồi thường cần lập là 215 phương án. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã kiểm kê được 152 trường hợp, xác nhận nguồn gốc đất được 81 trường hợp, đã có 9 trường hợp bàn giao mặt bằng.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, phạm vi ranh giới thu hồi đất theo quy hoạch mới không phát sinh thêm thửa đất thu hồi nên đơn vị sẽ thực hiện kiểm kê lại đối với các thửa có thay đổi phạm vi, diện tích thu hồi. Hiện tại, trung tâm đang chờ thông báo thu hồi đất điều chỉnh theo quy hoạch mới của TP. Nha Trang để thực hiện các bước tiếp theo. Hy vọng đến ngày 30-9, người dân sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng triển khai dự án.
Đối với quỹ đất TĐC cho dự án này được bố trí ngay tại sân bay Nha Trang tại phân khu 2 và phân khu 3. Theo cam kết, ngày 4-9, nhà đầu tư sẽ bàn giao mặt bằng để người dân nào bị giải tỏa chấp nhận phương án đền bù có thể tiếp cận để triển khai xây nhà.
THÀNH NAM
Ông Nguyễn Tiến Lưu - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh: Một trong những khó khăn hiện nay tại dự án là phần diện tích đất cần thu hồi thuộc diện tích đất quốc phòng chiếm khối lượng lớn. Cụ thể, tổng số thửa nằm trong đất quốc phòng là 13 thửa với tổng diện tích hơn 37.500m2. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng hiện chưa có ý kiến trả lời.
_________________________________________
Đến thời điểm này, trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã tiếp nhận từ TP. Nha Trang 64 đơn kiến nghị của người dân; đã có văn bản trả lời 48 đơn, còn lại đang giải quyết. Nội dung của các đơn đề nghị xem xét, điều chỉnh quy hoạch; giá đền bù chưa rõ ràng, giá đất TĐC, mức giá bồi thường về đất…