Với khối lượng rác ngày càng tăng trên đảo Bình Ba, chính quyền xã Cam Bình (TP. Cam Ranh) đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để xử lý tình trạng này.
Với khối lượng rác ngày càng tăng trên đảo Bình Ba, chính quyền xã Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để xử lý tình trạng này.
Khối lượng rác tăng
Theo lãnh đạo xã Cam Bình, thời gian gần đây, khối lượng rác trên đảo Bình Ba tăng đáng kể. Trong đó, nhiều nhất là rác sinh hoạt của người dân và du khách. “Ngày thường, đội thu gom rác của xã chỉ có 4 chuyến xe thu gom rác trong khu dân cư. Nhưng ngày thứ Bảy, Chủ nhật hoặc lễ, Tết phải 8 chuyến xe, làm từ 8 giờ sáng đến 16, 17 giờ mới thu gom hết rác… Điều này tạo áp lực rất lớn đến đội thu gom rác và kinh phí của địa phương”, ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết.
Nhờ sự nỗ lực của đội thu gom rác, công tác tuyên truyền của địa phương nên cảnh quan môi trường trên đảo có nhiều chuyển biến tích cực. Từ cầu cảng đến bãi Nồm, khu vực ven biển, hay dọc các tuyến đường trong khu dân cư không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước. Tại các khu vực tập trung đông dân cư và du khách, xã đã cho đặt các thùng rác công cộng; đồng thời đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm tuyên truyền cho du khách giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác ra đường, xuống biển. Đối với các bè nuôi trồng thủy sản, tổ tự quản nuôi trồng thủy hải sản tích cực tuyên truyền, tập trung rác thải của các hộ nuôi lại để đội thu gom rác chở về bãi rác xử lý.
Được biết, xã Cam Bình hiện nay là địa phương tự cân đối về thu chi ngân sách nên kinh phí thực hiện công tác thu gom và xử lý rác gặp nhiều khó khăn. Do khối lượng rác nhiều nên xã phải chi cho công tác thu gom và xử lý rác lên đến 32 triệu đồng/tháng (năm 2016 chỉ chi 20 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, xã thu phí của người dân chỉ được 11 triệu đồng/tháng, phần còn lại phải vận động xã hội hóa như: thu thêm các hộ làm dịch vụ du lịch, bán quán ăn… Bên cạnh đó, vào các tháng 10, 11, 12, do luồng gió nên lượng rác từ đất liền đẩy sang đảo khá lớn. Xã phải thường xuyên cho người thu gom với khoản chi phí tăng thêm 20 triệu đồng/tháng.
Sẽ có lò đốt rác
Hiện nay, việc xử lý rác trên đảo Bình Ba chủ yếu vẫn là thu gom và chở đến bãi chôn lấp hoặc xử lý đốt bằng dầu diezel. Bãi rác được bố trí cách khu dân cư khoảng 1km. Ông Nguyễn Ân cho biết: “Tuy đã được bố trí đốt rác xa khu dân cư nhưng về lâu dài, việc xử lý rác theo cách này sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Bãi rác không đủ diện tích khi khối lượng rác ngày càng tăng, việc đốt rác ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, môi trường và cuộc sống của người dân trên đảo. Do đó, địa phương đã kiến nghị thành phố, tỉnh quan tâm, đầu tư phương án xử lý rác phù hợp với xã đảo”.
Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Cam Ranh, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng một lò đốt rác tại đảo Bình Ba với kinh phí khoảng 4,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn của tỉnh 3 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố 1,3 tỷ đồng. Lò đốt rác có công suất khoảng 5 tấn/ngày. Hiện nay, thành phố đang tìm nguồn vốn đối ứng để nhanh chóng lập dự án đầu tư và triển khai xây dựng lò đốt rác cho xã Cam Bình. Đại diện lãnh đạo xã Cam Bình cũng cho biết, địa phương đã bàn giao mặt bằng để triển khai công trình lò đốt rác với quy mô khoảng 2.000m2 tại thôn Bình Ba Đông.
Trong khi chờ xây dựng lò đốt rác, xã Cam Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và du khách, duy trì hoạt động thu gom rác thải; đồng thời kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí hàng năm để xã thực hiện công tác thu gom rác đạt hiệu quả cao hơn.
MAI HOÀNG