Theo chỉ đạo của ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, các dự án trọng điểm của tỉnh gồm: đường Phong Châu, Nha Trang - Diên Khánh, hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến cầu sông Tắc, chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường phải đồng loạt về đích năm 2017.
Theo chỉ đạo của ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, các dự án trọng điểm của tỉnh gồm: đường Phong Châu, Nha Trang - Diên Khánh, hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến cầu sông Tắc, chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường phải đồng loạt về đích năm 2017.
Chậm tiến độ phải nộp phạt
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến thời điểm này, dự án đường Phong Châu đã đạt 87% khối lượng công việc. Trong đó, phần đường đã thảm bê tông nhựa đạt 90% khối lượng hợp đồng. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 753 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến gần 3km.
Dự án đường Nha Trang - Diên Khánh, có chiều dài toàn tuyến gần 10km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã thi công được 70% khối lượng công việc, trong đó gói thầu 6A đạt hơn 74% hợp đồng và gói 6B đạt hơn 64%. Hiện nay, dự án có 3 đoạn thi công chờ lún, với tổng chiều dài gần 200m và nút giao tại UBND xã Vĩnh Thái nên phải kéo dài thời gian thi công.
Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, các nhà thầu cam kết dự án đường Phong Châu, Nha Trang - Diên Khánh sẽ hoàn thành vào ngày 30-11. Hiện nay, các nhà thầu đang huy động máy móc, nhân lực để đẩy mạnh thi công toàn tuyến. Sở dĩ tiến độ 2 dự án này chậm trễ là do mặt bằng thi công chật hẹp, lưu lượng xe vận chuyển vật liệu xây dựng vào các khu đô thị nhiều đã ảnh hưởng đến biện pháp tổ chức thi công; mùa mưa năm 2016 kéo dài, các hồ chứa thường xuyên xả lũ gây ngập nền móng đà giáo, làm ảnh hưởng đến công tác thi công đúc dầm cầu tại chỗ. Riêng đối với đường Nha Trang - Diên Khánh, còn 8 hộ sống dọc đường Tố Hữu chưa giải tỏa được.
Tại buổi làm việc với các sở, ngành và đơn vị liên quan mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết. Đến ngày 30-12, nếu chưa xong, các nhà thầu phải đóng phạt theo cam kết trong văn bản với tỉnh. Đối với 3 điểm gia tải chờ lún, đồng ý thực hiện theo thiết kế đến ngày 1-6-2018 và sau 1 tháng phải thi công các điểm này. Đồng thời, ban quản lý dự án phải nhanh chóng lập hồ sơ, tính toán bồi thường nứt nhà cho các hộ dân dọc tuyến đường Phong Châu.
Tháo gỡ vướng mắc 2 dự án thủy lợi
Dự án hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến cầu sông Tắc có tổng mức đầu tư hơn 285 tỷ đồng. Nhà thầu thực hiện đào tuyến kênh thoát lũ, chiều dài 3.420m; xây dựng tuyến đê, kè mái đê bao bờ kênh thoát lũ dài hơn 3.450m; làm mới 12 cống tiêu dưới đê, 1 cầu thoát lũ, xây dựng rãnh thoát nước bờ hữu dài gần 1.100m. Hiện nay, nhà thầu thi công đạt 67% giá trị hợp đồng. Dự án có 440 trường hợp bị giải tỏa, hiện còn 3 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng. UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 3 hộ này; trong đó có 2 hộ đang khởi kiện ra tòa về quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Ngoài ra, tại dự án này, có 8 trường hợp đã khởi kiện ra tòa, tòa đang thụ lý. Ông Sơn đề xuất, mục tiêu chính của dự án là tạo nên hệ thống thoát lũ hoàn chỉnh trong khu vực. Vì thế, kiến nghị tỉnh cho triển khai thêm đoạn từ đường Phong Châu đến cầu Bình Tân để đảm bảo thoát lũ hiệu quả.
Trong khi đó, dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường có tổng mức đầu tư gần 595 tỷ đồng, với quy mô nắn dòng, cắt dòng hạ lưu và nạo vét lòng dẫn Quán Trường dài hơn 6.200m; đắp đê, lát mái tả, hữu sông dài hơn 8.200m; xây dựng 15 cống tiêu tại đê tả và hữu… Nhà thầu đã thi công được 79% khối lượng công việc. Dự án có 793 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện toàn tuyến còn 4 trường hợp chưa thực hiện giao mặt bằng. Được biết, theo hồ sơ thiết kế, khối lượng nạo vét được đổ dọc hai bên bờ đê. Tuy nhiên, do đê hữu không đầu tư nên khối lượng nạo vét được đổ sang một bên đê tả nằm trong khu vực Khu đô thị An Bình Tân. Hiện nay, khu vực này chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, người dân vẫn nuôi trồng thủy sản, gây cản trở không cho đổ thải đất nạo vét. Tổng diện tích cần đền bù giải tỏa là 18ha, phía chủ đầu tư đã hoàn tất kiểm kê.
Ông Lê Đức Vinh đánh giá, 2 dự án thủy lợi khá thuận lợi, tiến độ triển khai được đảm bảo; dự kiến sẽ về đích cuối năm 2017. Đồng thời, đối với các trường hợp chưa chịu bàn giao mặt bằng, TP. Nha Trang và các địa phương liên quan tiếp tục vận động, có thể cưỡng chế theo quy định pháp luật…; chủ đầu tư dự án Khu đô thị An Bình Tân lập phương án bồi thường gửi TP. Nha Trang trước ngày 15-7. TP. Nha Trang khẩn trương xây dựng phương án cưỡng chế dứt điểm trong tháng 7 để tạo thuận lợi cho nhà thầu triển khai; phối hợp với nhà thầu bảo vệ thi công một số đoạn người dân ngăn cản.
THÀNH NAM
Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Những nhà thầu yếu, không đủ năng lực thi công các dự án sẽ bị cắt hợp đồng. Đối với hạng mục cây xanh, vỉa hè, điện chiếu sáng phải hoàn thiện đồng bộ cùng các dự án. Riêng hạng mục điện tại dự án đường Nha Trang - Diên Khánh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc lại với nhà thầu, yêu cầu hoàn thành trong 90 ngày, nếu không cam kết thì cắt hợp đồng chuyển cho đơn vị khác. ________________________________________
|