05:04, 11/04/2017

Nỗ lực nâng tầm đô thị

Sau 10 năm thành lập, cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị của Cam Lâm đã đổi thay vượt bậc: đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa; điện, trường, trạm được đầu tư...

Sau 10 năm thành lập, cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị của Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đổi thay vượt bậc: đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa; điện, trường, trạm được đầu tư...


Giao thông thông suốt


Đến nay, ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện vẫn không quên những khó khăn, thách thức buổi đầu thành lập huyện. Năm 2007, ông chuyển công tác từ xã Cam Phước Tây về Hội Nông dân huyện. Hồi đó, ông đi 30km từ nhà tới trụ sở phải mất hàng giờ vì đường rất xấu. Đường vào nhiều xã là đường đất… Còn ông Hoàng Anh Phú (thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông) cho biết: “Từ chỗ toàn sỏi đá gập ghềnh, hiện nay, đường ở khu vực Bãi Dài đã trải nhựa, bê tông hóa đến tận các thôn, đi lại rất thuận tiện”.

 

 Khách sạn Duyên Hà mới đi vào hoạt động
Khách sạn Duyên Hà mới đi vào hoạt động


Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, huyện cơ bản hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, ưu tiên đầu tư các công trình giao thông kết nối với Quốc lộ 1 và tỉnh lộ nhằm tạo ra mạng lưới đường bộ liên hoàn giữa các xã, thị trấn và hệ thống giao thông quốc gia như: đường Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàm Nghi, Phạm Văn Đồng… Hệ thống giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng thiết yếu khác cho trung tâm các xã và các điểm dân cư tập trung cũng được đầu tư nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). 10 năm qua, huyện đã đầu tư mới và nâng cấp hơn 241km đường giao thông các loại, nâng tổng chiều dài đường bộ được cứng hóa lên hơn 308km, đạt 48,43%; đồng thời xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường ở thị trấn Cam Đức và Suối Tân. Riêng giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã đầu tư xây dựng hơn 114km đường giao thông với tổng kinh phí 361 tỷ đồng.


Kết nối khu vực đô thị với các xã


Từ năm 2011 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ từ đô thị đến nông thôn với mục tiêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV đối với thị trấn Cam Đức và đạt chuẩn đô thị loại V đối với xã Suối Tân, từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về xây dựng đối với các xã trong chương trình XDNTM; xây dựng các đô thị vành đai như: Vinh Bình - Cù Hin, khu đô thị du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn Cam Đức, Suối Tân cũng được triển khai kết hợp với quy hoạch nông thôn mới và triển khai đồng bộ ở 14 xã, thị trấn. Nhiều công trình hạ tầng trọng điểm của huyện được xây dựng khang trang như: Nhà Văn hóa thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa thể thao, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Nhà Thi đấu đa năng... UBND tỉnh cũng đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện quy mô 100 giường. Nhà máy nước Cam Lâm được Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thái Bình Dương (COPAC) đầu tư hiện có công suất tiêu thụ khoảng 3.000m3 nước/ngày đêm, mới bằng 1/4 so với công suất thiết kế, cấp nước sinh hoạt cho khu vực Cam Đức, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc. Công ty đang có kế hoạch cấp nước cho các xã lân cận.


Khu du lịch bán đảo Cam Ranh (xã Cam Hải Đông) có 40 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 28.790 tỷ đồng, tổng vốn đã huy động khoảng 5.000 tỷ đồng với tổng diện tích đất gần 1.700ha. Trong đó, có 20 dự án đã được cấp phép, khởi công xây dựng, 5 dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác; dự kiến, sẽ có thêm 3 dự án đưa vào khai thác cuối năm nay. Cụm công nghiệp Trảng É với quy mô 152,3ha, vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng đã được thi công giai đoạn 1 và 2 trên diện tích 56ha. Một số công trình trọng điểm cũng được thực hiện nhằm tạo động lực phát triển như: hoàn thành giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án mở rộng Quốc lộ 1, các dự án tại khu du lịch bán đảo Cam Ranh, khu trung tâm hành chính huyện, giải phóng mặt bằng hệ thống kênh chính, kênh nhánh hồ chứa nước Tà Rục.


Bên cạnh đó, huyện cũng quy hoạch lại đất sản xuất nông nghiệp và hạ tầng phục vụ sản xuất phù hợp với quy hoạch chung về XDNTM; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Từ kết quả dồn điền đổi thửa hơn 223ha, qua đó, có hơn 6ha làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, tổng kinh phí thực hiện hơn 16 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn của UBND huyện, cấp xã và nhân dân đóng góp, vốn ngân sách tỉnh quản lý giai đoạn 2011 - 2015 đã bố trí gần 134 tỷ đồng để từng bước đầu tư nâng cấp cho kết cấu hạ tầng cơ sở ở nông thôn. Cuối năm 2016, có 4/12 xã đạt chuẩn XDNTM, 8 xã còn lại đạt trung bình 14,58 tiêu chí, đạt mục tiêu đề ra.  


Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đổi thay. Huyện đầu tư gần 3 tỷ đồng hỗ trợ xây mới 179 nhà; tô trát, sửa chữa 357 nhà cho đồng bào với kinh phí xã hội hóa hơn 2 tỷ đồng. 100% xã, thôn có các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh.


Thời gian tới, huyện xác định phân kỳ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện địa phương theo từng thời kỳ. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn XDNTM, vốn phát triển đô thị, xây dựng cơ bản…, phấn đấu đến năm 2020 hoàn chỉnh tiêu chí đô thị loại V đối với Cam Đức, Suối Tân. Sau năm 2020, huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh đầu tư đô thị loại IV đối với Cam Đức và Cam Hải Đông, khu vực bán đảo Cam Ranh; tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 45 đến 50% ở thị trấn Cam Đức; xã Suối Tân đạt tiêu chí đô thị loại V và trở thành thị trấn công nghiệp; các xã còn lại phấn đấu đạt tiêu chí XDNTM.


T.M