Xã hội hóa công tác thu gom rác gặp nhiều khó khăn nên đến nay, nhiều nơi trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) môi trường vẫn còn nhếch nhác.
Xã hội hóa công tác thu gom rác gặp nhiều khó khăn nên đến nay, nhiều nơi trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) môi trường vẫn còn nhếch nhác.
Vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi
Vạn Phú là xã sẽ về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017 nhưng công tác thu gom rác còn khó khăn. Xã có 6 thôn nhưng mới có 2 thôn (Phú Cang 2 và Phú Cang 2 Nam) triển khai công tác thu gom rác. Các thôn chưa triển khai việc này thì môi trường càng nhếch nhác, chính quyền rất bị động trong việc xử lý. Ông Võ Ngọc Quang - Trưởng thôn Phú Cang 2 cho biết, do đã thực hiện thu gom rác nên môi trường của thôn cũng tạm ổn. Tuy tỷ lệ đóng phí thu gom rác đạt khá, 80% số hộ đăng ký nhưng do số hộ đăng ký ít nên ngân sách phải bù lỗ 12.000 đồng/hộ (hộ đóng 8.000 đồng/tháng/hộ theo Nghị quyết HĐND tỉnh). “Nhiều hộ cho rằng nhà có vườn rộng, rác được đốt hay chôn nên không đăng ký, né tránh không muốn nộp phí, nhưng vẫn đem rác ra đường bỏ, vì vậy rất khó kiểm soát, ảnh hưởng đến những hộ chấp hành tốt việc đăng ký”, ông Quang nói.
Rác đổ bừa bãi tại khu vực cầu Suối Hàng, xã Vạn Khánh |
Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú cho hay, vào các dịp lễ, UBND xã phải huy động lực lượng thanh niên, các đoàn thể, trường học ra quân dọn dẹp vệ sinh. Hàng tháng, hàng quý, xã kiểm tra, nhắc nhở công tác thu dọn vệ sinh, hỗ trợ mua dầu đốt rác. “Khó khăn hiện nay là việc xã hội hóa thu gom rác còn lắm nhiêu khê. Khi vận động đăng ký thì nhiều hộ tránh né, nói rằng tự xử lý, phần khác do năng lực thu gom rác của công ty chưa đáp ứng. Vì thế, công tác thu gom rác vẫn chưa đi vào nề nếp. Năm 2016, xã đề nghị huyện đưa thêm 2 thôn Phú Cang 1 và Phú Cang 1 Bắc vào triển khai công tác thu gom rác nhưng huyện chưa xét”, ông Hiền cho biết thêm.
Ông Phạm Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Long cho biết, việc thu gom rác đã được triển khai ở 4/4 thôn của xã nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn xảy ra tại những nơi heo hút, xa khu dân cư, nên hàng tháng, hay ngày lễ, Tết xã phải tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh, xử lý đốt bỏ. “Hiện tại, một số khu vực chưa thể thu gom rác như: thôn Hải Triều có 2 khu vực; tuyến ven biển, thôn Ninh Thọ, đường cát lún xe công ty không vào được, do vậy không tránh khỏi tình trạng rác ứ đọng, ô nhiễm. Toàn xã có gần 2.000 hộ nhưng tỷ lệ đăng ký gom rác chỉ chiếm 1/8 nên rất khó triển khai việc xã hội hóa”, ông Hùng chia sẻ.
Sẽ thí điểm xã hội hóa thu gom rác
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh, hiện nay, việc xã hội hóa công tác thu gom rác vẫn chưa thực hiện được bởi ý thức người dân chưa cao. Huyện đang nghiên cứu một số mô hình thu gom rác có hiệu quả tại các địa phương khác để xã hội hóa công tác này trong thời gian tới. Với tình hình hiện nay, huyện vẫn phải bù lỗ hàng năm gần 6 tỷ đồng với lượng rác thu gom khoảng 17.000 tấn/năm.
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, năm 2017, huyện thực hiện công tác đấu thầu triển khai thêm một số tuyến thu gom rác với kinh phí bổ sung 500.000 triệu đồng để phục vụ công tác này. Về vấn đề xã hội hóa công tác thu gom rác, vừa qua huyện đã đưa đoàn cán bộ của 3 xã: Vạn Hưng, Xuân Sơn và Đại Lãnh đi tham quan mô hình xã hội hóa thu gom rác tại xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa). Tuy nhiên xét về nhiều mặt, Vạn Ninh vẫn còn khó khăn. UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, các xã lập phương án để cuối năm 2017 triển khai vấn đề này.
V.L