Tiếp nối Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải (2007 - 2014), Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang (2017 - 2022) sắp triển khai sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới thu gom và xử lý nước thải của thành phố.
Tiếp nối Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải (2007 - 2014), Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang (2017 - 2022) sắp triển khai sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới thu gom và xử lý nước thải của thành phố.
Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang (2007 - 2014) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng vốn đầu tư 93,6 triệu USD, trong đó hợp phần thu gom và xử lý nước thải 50,4 triệu USD góp phần hoàn thiện việc thu gom và xử lý nước thải tại khu trung tâm và phía nam thành phố. Hợp phần này gồm các hạng mục: mạng lưới đường cống thoát nước gồm 68km cống, 8.160 hố ga, 6 trạm bơm, 10 giếng tách và Nhà máy Xử lý nước thải hiện đại phía nam có công suất 40.000m3/ngày đêm đặt tại xã Phước Đồng.
Bể xử lý nước thải dùng công nghệ mương ô xy hóa tại Nhà máy Xử lý nước thải phía nam |
Từ khi Nhà máy Xử lý nước thải phía nam đi vào hoạt động đến nay, công suất xử lý nước thải đạt khoảng 25.000m3/ngày đêm, hơn 50% công suất thiết kế, đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc đấu nối còn hạn chế nên nhà máy chưa phát huy hết công suất. Ngoài ra, nhà máy còn tiếp nhận và xử lý bùn bể phốt từ các doanh nghiệp và hộ gia đình thông qua các xe hút hầm vệ sinh với lưu lượng tiếp nhận hàng ngày khoảng 80m3. Việc thu gom và xử lý bùn bể phốt góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời quản lý chặt chẽ các xe hút hầm, hạn chế tình trạng đổ thải tràn lan, mất mỹ quan đô thị.
Kết quả cập nhật của Phòng Quản lý đô thị Nha Trang cho thấy, hiện nay, tỷ lệ đấu nối các đơn vị hành chính sự nghiệp gần 93%; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn hơn 47%; hộ gia đình gần 10% (hộ tại các khu đô thị mới gần 85%). Theo ông Lê Tiến Vĩnh - Giám đốc BQL Dịch vụ công ích TP. Nha Trang, công tác đấu nối hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy các văn bản về đấu nối nước thải được ban hành đầy đủ nhưng việc kiểm tra chưa chặt chẽ, thường xuyên; việc cải tạo hạ tầng giao thông chưa quan tâm đến phát triển mạng lưới thu gom nước mưa, nước thải; thành phố đã đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường nhưng các chủ đầu tư chưa quan tâm xây dựng các tuyến cống cấp 3; hầm tự hoại nhà dân khi đấu nối phải cải tạo lại, tốn chi phí (bình quân 16 triệu đồng/hộ), nhưng chưa có chính sách hỗ trợ nên người dân chưa mặn mà…
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh cho biết, việc đầu tư mạng lưới thoát nước đô thị hiện hữu vẫn đang sử dụng hệ thống cống chung và riêng, kết hợp các giếng tách để đưa nước thải về nhà máy xử lý. Cống cấp 3 được đầu tư đến nhà dân, tiếp cận các tuyến hẻm có mật độ dân cư đông, hộ gia đình tự đấu nối nước thải vào hệ thống chung. Tỉnh đã bố trí ngân sách 14 tỷ đồng cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ đấu nối, phấn đấu đến năm 2022, tỷ lệ này đạt trên 80%.
Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án TP. Nha Trang (2017 - 2022) có tổng mức đầu tư 72 triệu USD (vốn WB), khi triển khai sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải cho khu vực phía bắc Nha Trang với khối lượng 6,5km cống chung và 11km cống riêng thoát nước thải, 95km cống cấp 3 bổ sung cho toàn thành phố, thay thế 6.500 hố ga ngăn mùi, 5 trạm bơm, 6 giếng tách, hồ điều hòa cùng nhà máy xử lý nước thải phía bắc công suất 15.000m3/ngày đêm. |
Được biết, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án TP. Nha Trang (2017 - 2022) dự kiến sẽ ký hiệp định trong tháng 6-2017, một số gói thầu xây lắp nhỏ sẽ triển khai vào quý IV/2017. Với dự án này, khu vực phía bắc thành phố sẽ có điều kiện cải thiện vấn đề ngập úng, vệ sinh môi trường thông qua thu gom và xử lý nước thải, cải thiện điều kiện kết nối giao thông và hoàn chỉnh hạ tầng dọc kè phía nam sông Cái Nha Trang (từ cầu Hà Ra đến cầu Đường sắt). Việc thực hiện dự án phía bắc sẽ tiến tới hoàn thiện công tác thu gom nước mưa, nước thải toàn thành phố và xử lý ổn định, bảo đảm an toàn môi trường cho TP. Nha Trang.
Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là công tác đấu nối nước thải. Các giải pháp cần quan tâm là: chính quyền cần ban hành chính sách về đấu nối nước thải tuân thủ quy định tại Nghị định 80/2014 của Chính phủ; quy trình đấu nối xây dựng theo hướng đơn giản, nhanh gọn và thuận tiện; công tác quản lý đấu nối phải được theo dõi, tổng hợp thường xuyên. Bên cạnh đó, truyền thông rộng rãi nhằm cung cấp thông tin về lợi ích của việc đấu nối, các quy định và hướng dẫn đến cộng đồng dân cư; công tác đấu nối hộ gia đình cần được triển khai song song với quá trình thực hiện dự án…
V.L