10:07, 21/07/2016

Ứng phó sự cố tràn dầu: Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có nhiều đơn vị chuyên nghiệp đủ yếu tố, phương tiện để ứng phó và xử lý sự cố tràn dầu, tuy nhiên, năng lực chỉ huy điều hành còn hạn chế…

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có nhiều đơn vị chuyên nghiệp đủ yếu tố, phương tiện để ứng phó và xử lý sự cố tràn dầu, tuy nhiên, năng lực chỉ huy điều hành còn hạn chế…


Đảm bảo năng lực xử lý sự cố


Nhận thức được sự cố tràn dầu là thảm họa đối với môi trường nên nhiều năm qua, các đơn vị liên quan đã đầu tư nâng cao năng lực, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó. Trong đó, chủ lực là Trung tâm Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

 

Huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu tại Công ty Xăng dầu Phú Khánh
Huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu tại Công ty Xăng dầu Phú Khánh


Trung tâm Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung có trụ sở chính tại Đà Nẵng, đến năm 2011 thành lập cơ sở tại Vân Phong. Hiện nay, nhân lực của trung tâm tại Vân Phong có 23 người. Trung tâm được trang bị 3 tàu ứng phó sự cố tràn dầu; tàu chứa dầu, công suất 600CV (sức chứa 800m3). Thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu của trung tâm được trang bị đồng bộ và hiện đại, bao gồm 2.500m phao quây biển, 2.700m phao quây bờ biển và sông, 4 bộ thiết bị bơm hút dầu, 3 bộ thiết bị chứa dầu di động, 7 bộ thiết bị làm sạch đường bờ…


Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong cũng là đơn vị có năng lực ứng phó sự cố tràn dầu chuyên nghiệp. Theo ông Nguyễn Xuân Huỳnh - Giám đốc an toàn Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong, đơn vị hiện có 29 bể chứa với dung tích hơn 500.000m3 các sản phẩm xăng, dầu diezel và mazut; 3 bể chứa dầu thải (500m3/bể), 1 bể chứa nước chữa cháy 2.000m3… Về phương tiện ứng phó sự cố tràn dầu, kho có 2 tàu lai dắt công suất 3.200CV và  2.000CV thường trực tại cảng; bộ phao quay biển 250m và các thiết bị bơm hút dầu… Ngoài ra, kho còn hợp đồng với các đơn vị chuyên nghiệp khác để ứng phó sự cố tràn dầu như: Trung tâm Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung; Công ty Xăng dầu Phú Khánh; Công ty Cổ phần Hàng hải tại Khánh Hòa… Đơn vị cũng đã xây dựng phương án ứng phó sự cố tràn dầu; thường xuyên tổ chức đào tạo, diễn tập các tình huống giả định cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại kho.  


Cần diễn tập thường xuyên


UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trong đó xác định mục tiêu, kế hoạch, quy trình, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó và các nguồn có nguy cơ sự cố tràn dầu như: các khu vực chuyển tải dầu trên vịnh Vân Phong; các cảng quân sự, hàng hóa, xăng dầu, chuyên dụng và các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng (khu du lịch, nuôi trồng thủy sản, khu dân cư ven biển, khu bảo tồn); xác định trách nhiệm của các đơn vị, địa phương…


Tuy nhiên, hiện nay công tác ứng phó sự cố tràn dầu vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo ông Huỳnh, hiện công tác chỉ huy ứng cứu còn hạn chế, lực lượng ứng cứu tại cơ sở chưa chuyên nghiệp về kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu, chưa kể tình hình thời tiết trên biển có nhiều bất lợi cho công tác xử lý, khắc phục.

 

Theo ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, toàn tỉnh đã 3 lần xảy ra sự cố tràn dầu vào các năm 2002, 2007 và 2015. Ngay khi xảy ra các sự cố, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời các biện pháp xử lý ứng phó, ngăn ngừa sự cố tràn dầu.

Ông Nguyễn Trần Mạnh - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu sự cố tràn dầu miền Trung cho rằng, ý thức về công tác ứng phó sự cố tràn dầu của các cấp, ngành còn hạn chế, còn tâm lý xem việc này là trách nhiệm của đơn vị trực tiếp kinh doanh xăng dầu hay lực lượng chuyên nghiệp; việc đào tạo, huấn luyện chưa tốt. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải xây dựng kế hoạch và đầu tư trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu; nếu nguồn lực còn hạn chế thì hợp đồng với đơn vị chuyên nghiệp, nhưng hiện các cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành vẫn chưa thực hiện theo quy định.


Theo ông Mai Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, nhân lực và phương tiện ứng phó sự cố tràn dầu của các đơn vị chuyên nghiệp trên địa bàn cơ bản đáp ứng khả năng xử lý, khắc phục sự cố. Tuy nhiên, công tác chỉ huy điều hành ở quy mô cấp tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa được kinh qua thử thách, cần tổ chức đào tạo và diễn tập thường xuyên để nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, công tác ứng phó sự cố tràn dầu cần sự quan tâm của chính quyền các địa phương, lực lượng tại chỗ để khắc phục kịp thời hậu quả môi trường khi có sự cố xảy ra…


P.L