Qua 4 năm (2011 - 2015) thực hiện Chương trình phát triển đô thị, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã phủ kín 100% quy hoạch phân khu các phường nội thị và hoàn thành nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên tiến độ phát triển đô thị còn chậm.
Qua 4 năm (2011 - 2015) thực hiện Chương trình phát triển đô thị, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã phủ kín 100% quy hoạch phân khu các phường nội thị và hoàn thành nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên tiến độ phát triển đô thị còn chậm.
Thay đổi bộ mặt đô thị
Ông Nguyễn Dương Hùng - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa cho biết, qua 4 năm thực hiện Chương trình phát triển đô thị, 100% phường nội thị được quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500 và 1/2000. Song song đó, địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan và mở rộng không gian đô thị.
Dự án kè sông Dinh đã góp phần thay đổi bộ mặt thị xã Ninh Hòa |
Cụ thể, địa phương đã hoàn thành 3 công trình trọng điểm: giai đoạn 1 dự án đường bắc - nam phường Ninh Hiệp; đê kè chống xói lở hai bờ sông Dinh; nâng cấp mở rộng đường 16-7. Trong đó, công trình đê kè chống xói lở hai bờ sông Dinh (từ cầu đường Sắt đến cầu Mới), với tổng mức đầu tư hơn 161 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2015 đã tạo nên diện mạo mới cho khu vực nội thị. Ông Đinh Thế Quang (tổ dân phố 10, phường Ninh Hiệp) cho biết: “Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, những gia đình ở dọc 2 bên sông phải lo chạy lũ. Bây giờ có kè, quang cảnh sạch đẹp, không còn tình trạng xả rác bừa bãi xuống dòng sông như trước. Người dân có khu vực đi tản bộ và tập thể dục”.
Thị xã cũng đã hoàn thành đầu tư các tuyến đường trung tâm của 7 phường; tuyến đường Phan Bội Châu, Trần Quốc Tuấn của phường Ninh Hiệp; cơ sở hạ tầng khu tái định cư phục vụ các dự án đầu tư tại Ninh Hòa; tuyến đường vào Cụm công nghiệp và chăn nuôi Khatoco; cơ sở hạ tầng khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy với quy mô gần 35ha. Mặt khác, thị xã đã hoàn thành lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã Ninh Thọ và xã Ninh An để đầu tư đưa 2 xã này lên đô thị loại V. Đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình đạt hơn 1.075 tỷ đồng.
Ngoài ra, thị xã đã hoàn thành 6 dự án tạo động lực phát triển đô thị nằm ngoài chương trình với tổng kinh phí hơn 218 tỷ đồng như: khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại tổ dân phố Bình Tây, phường Ninh Hải với tổng kinh phí 32,5 tỷ đồng; đường vào Khu du lịch Ba Hồ 7,6 tỷ đồng; công trình thoát lũ sông Tân Lâm hơn 64 tỷ đồng; công trình cơ sở hạ tầng khu dân cư đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh 11,8 tỷ đồng; nâng cấp Nhà máy nước sinh hoạt Ninh Hòa 4,8 tỷ đồng; dự án cấp nước sinh hoạt có công suất 4.000m3/ngày đêm tại xã Ninh Sơn 97,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương đã hoàn thành nhiều công trình của ngành giáo dục với tổng kinh phí hơn 148 tỷ đồng.
Còn nhiều công trình chưa triển khai
Theo nhận định của lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung tiến độ của chương trình vẫn còn chậm so với kế hoạch, do chưa được bố trí vốn kịp thời. Theo đó, địa phương có 3/6 công trình trọng điểm chưa triển khai gồm: giai đoạn 2 tuyến đường bắc - nam phường Ninh Hiệp với tổng kinh phí 63 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư phía bắc đường K.10, phường Ninh Hiệp với tổng kinh phí 23,7 tỷ đồng; khu dân cư phía nam đường K10, phường Ninh Hiệp với tổng kinh phí 34,5 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 tuyến đường Minh Mạng (dài 2,2km, tổng mức đầu tư 67,8 tỷ đồng) và Lê Ngọc Bán (dài 720m, tổng mức đầu tư 29,88 tỷ đồng) cũng chưa được triển khai vì thiếu vốn.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án Chương trình phát triển đô thị ở thị xã Ninh Hòa, giai đoạn 2011 - 2015 hơn 1.653 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 1.309 tỷ đồng, ngân sách đối ứng của thị xã 258,58 tỷ đồng, còn lại các vốn vay khác. |
Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã cho biết, nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm, một số dự án chưa triển khai là do mục tiêu của chương trình đề ra khá lớn, đầu tư toàn diện trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp một số xã lên đô thị loại V. Kinh phí đền bù giải tỏa lớn, các chính sách về lao động, tiền lương thường xuyên thay đổi (biến động tăng) cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn, khả năng đầu tư và thời gian thực hiện. Ngoài ra, do nguồn tài chính bán đấu giá quyền sử dụng đất của thị xã còn hạn chế, nên nguồn vốn đối ứng của thị xã cho chương trình còn thấp. Trong giai đoạn này, do phải tạm dừng đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Việc huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện chương trình còn hạn chế, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, thể dục, thể thao… chưa thu hút được các nhà đầu tư. “Đối với những dự án chưa triển khai, thị xã sẽ chuyển sang đầu tư ở giai đoạn 2016 - 2021”, ông Minh nói.
Theo kiến nghị của UBND thị xã Ninh Hòa, để các dự án chuyển tiếp qua giai đoạn mới thực hiện đúng tiến độ, UBND tỉnh cần bố trí vốn phát triển đô thị cho 2 xã Ninh An và Ninh Thọ để 2 địa phương này đạt ngưỡng các tiêu chí phân loại đô thị loại V; bố trí vốn trả nợ các công trình đã thực hiện xong trong năm 2014 và vốn thực hiện các dự án có trong chương trình đã được phê duyệt.
T.L