11:06, 29/06/2016

Cải tạo nhà hàng Bốn Mùa: Vẫn loay hoay tìm phương án

Đầu năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Công ty TNHH Bốn Mùa Nha Trang cải tạo lại Dự án E-Land Four Seasons (nhà hàng Bốn Mùa). Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng cùng chủ đầu tư vẫn chưa chọn được phương án chính thức.

Đầu năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Công ty TNHH Bốn Mùa Nha Trang cải tạo lại Dự án E-Land Four Seasons (nhà hàng Bốn Mùa). Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng cùng chủ đầu tư vẫn chưa chọn được phương án chính thức.


Chưa chọn được phương án


Công trình nhà hàng Bốn Mùa vốn là đất của Trung tâm Dịch vụ Bốn Mùa cũ, được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Bốn Mùa Nha Trang làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng; giai đoạn 1 của dự án là khu A đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Theo báo cáo của Công ty TNHH Bốn Mùa Nha Trang, khu vực nhà hàng tầng trệt có chiều cao 7,438m, diện tích 793m2 đang được kinh doanh phục vụ ăn uống, cà phê... Dưới tầng hầm có tổng diện tích 2.785m2 và độ sâu 4,51m đang được kinh doanh bar. Tuy nhiên, ngay từ lúc mới xây dựng, dự án đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận cũng như các chuyên gia, bởi công trình che chắn tầm nhìn ra biển, không hài hòa với cảnh quan xung quanh. Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng cải tạo dự án.

 

Nhà hàng Bốn Mùa
Nhà hàng Bốn Mùa

 

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh: Để đảm bảo có thể trồng cây xanh có tán trên mái phải tăng chiều dày lớp đất hữu cơ, bố trí hệ thống tưới cây tự động hoặc tưới cây nhỏ giọt, đồng thời xử lý chống thấm cho lớp sàn bên dưới. Bản vẽ của chủ đầu tư cung cấp thể hiện lớp hữu cơ với độ dày chỉ phù hợp cho thảm cỏ và cây bụi. Ngoài ra, để bảo dưỡng mảng xanh trên mái công trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và chi phí rất cao. Trên thực tế, các dự án áp dụng công nghệ này qua thời gian đã không giữ được cảnh quan cây xanh như thiết kế, làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa đã tổ chức cuộc thi tìm ý tưởng, giải pháp cải tạo phần kiến trúc trên mặt đất của công trình. Sau khi chọn được 2 phương án đạt giải nhì (không có giải nhất), UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, hoàn chỉnh phương án kiến trúc cải tạo công trình. UBND tỉnh lưu ý, không làm cầu thang và đường giao thông trên mái như phương án dự thi; chiều cao công trình cần cải tạo giảm so với hiện trạng; cây xanh trồng trên mái cần lựa chọn chủng loại có tán thấp, rễ ăn ngang, phù hợp với khí hậu ở Nha Trang.


Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, mới nhận được 2 phương án điều chỉnh thiết kế từ chủ đầu tư dự án. Nhìn chung, hai phương án này có chỉ tiêu quy hoạch không thay đổi so với phương án kiến trúc quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hai phương án đều có cùng hình thức kiến trúc, chỉ tổ chức tường ngăn, khu vực còn lại để trống, không bao che. Điểm mới là phương án đã điều chỉnh tách rời mái công trình thành 2 hệ mái riêng biệt cách nhau khoảng 20m, thay cho hệ mái kéo dài xuyên suốt công trình dài 64m. Bên cạnh đó, còn bổ sung giải pháp trồng cây xanh và tổ chức đường dạo trên mái. Sở Xây dựng cho rằng, tuy có một số ưu điểm nhưng hình thái kiến trúc vẫn chưa phù hợp, không tạo được nét đặc trưng và điểm nhấn cho loại hình kiến trúc bờ biển. Hồ sơ vẫn bố trí hệ thống thang lên mái, chưa giảm chiều cao công trình và vẫn đề xuất trồng cây có tán lớn trên mái là chưa phù hợp với chỉ đạo của UBND tỉnh.


Phải giảm chiều cao công trình


Mới đây, Sở Xây dựng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh thành một phương án chính thức. Cụ thể, yêu cầu chủ đầu tư không tận dụng lại hệ khung kết cấu, chiều cao và hình dáng mái cũ của công trình để thực hiện phương án mới. Phương án mái sau khi điều chỉnh phải có chiều cao thấp hơn 7,5m so với phương án đã thỏa thuận trước đây; khuyến khích chủ đầu tư hạ chiều cao công trình xuống dưới 6m.

 

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa: Phần mái không nên trồng cây mà nên mạnh dạn làm kết cấu lợp tôn mát màu xanh lá cây. Mái có độ dốc thấp sẽ tạo được không gian bên trong nhẹ nhàng, sinh động, cách âm, cách nhiệt tốt hơn.

Theo ông Võ Văn Châu - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và kiểm định xây dựng Khánh Hòa, chủ đầu tư cần nghiên cứu lại việc trồng các cây lớn trên mái để đảm bảo tính khả thi, nhất là vào mùa mưa bão. Công trình cải tạo bằng cách dỡ các vách ngăn ra để tạo sự thông thoáng nhưng phần mái lại tăng độ dày và cao hơn trước nên không phù hợp với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, chủ đầu tư cần nghiên cứu giảm chiều cao cốt nền và tầng mái nhà hàng. Bên cạnh đó, cần bố trí cây xanh, màu sơn tầng mái hài hòa với các công trình kiến trúc, cảnh quan xung quanh của công viên ven biển.


“Một số kiến nghị giảm cốt nền của nhà hàng nhưng việc thực hiện nội dung này là không khả thi, bởi sẽ thay đổi kết cấu và bố trí phần công trình ngầm. Chủ đầu tư cũng nên xem xét tính khả thi của việc trồng cây có tán và thảm cỏ trên mái công trình; nếu vẫn thực hiện thì phải bổ sung giải pháp chăm sóc cây. Tuy nhiên, ý kiến của Sở Xây dựng là không nên trồng cây trên mái”, ông Lê Văn Dẽ cho hay.


VĂN KỲ