Theo đề nghị của Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa tại Công văn số 488/BQL-KT, ngày 19-10-2015 về việc Góp ý Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị hành chính mới tỉnh Khánh Hòa, đã có nhiều ý kiến góp ý rất tâm huyết.
Theo đề nghị của Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa tại Công văn số 488/BQL-KT, ngày 19-10-2015 về việc Góp ý Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị hành chính mới tỉnh Khánh Hòa, đã có nhiều ý kiến góp ý rất tâm huyết. Báo Khánh Hòa xin trích đăng một số ý kiến, bắt đầu bằng góp ý của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong:
Phối cảnh Khu đô thị hành chính mới. Ảnh: Văn Kỳ |
Việc quy hoạch Khu đô thị hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa làm cơ sở để quản lý quy hoạch và xây dựng các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể... tại khu vực tập trung nhằm hợp lý hóa việc sử dụng đất đai, đạt hiệu quả về kinh tế xây dựng và công năng sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng tạo diện mạo mới cho khu vực tây - nam TP. Nha Trang trong quá trình phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đề nghị xem xét và nghiên cứu lại các nội dung:
1. Về Phương án phát triển không gian, kiến trúc:
Các trục không gian chính theo hướng đông bắc - tây nam chưa phù hợp với khu vực đô thị cũ, chưa mang lại hiệu quả cao về kiến trúc cảnh quan. Cần nghiên cứu kỹ hơn nữa mối quan hệ làm việc giữa các cơ quan để sắp xếp lại vị trí, có thể điều chỉnh hợp khối, tăng chiều cao một số hạng mục công trình nhằm tiết kiệm quỹ đất và kinh phí đầu tư, tạo diện mạo mới, sinh động cho một khu vực đô thị hiện đại và đáp ứng nhu cầu phát triển cho tương lai.
Phương án kiến trúc của đồ án, đặc biệt là đối với các công trình điểm nhấn có thể chưa mang lại hiệu quả về mặt không gian theo phương đứng do tầng cao thấp, vì vậy không khai thác được lợi thế về thông gió và chiếu sáng tự nhiên của một thành phố có điều kiện khí hậu vào loại tốt nhất cả nước; chưa tận dụng tầm nhìn đối với cảnh quan đẹp khu vực xung quanh là cửa sông và bãi biển. Hình thức kiến trúc công trình điểm nhấn chưa thật sự hài hòa với các công trình lân cận, kiểu dáng kiến trúc mô phỏng “trứng yến vỡ” cần nghiên cứu thêm để phù hợp với tính chất làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước.
2. Quy hoạch các khu chức năng:
Có thể nghiên cứu đưa khu vực đô thị dịch vụ về phía tây để tạo hiệu quả hơn về cảnh quan đối với trục không gian từ trung tâm thành phố đến khu hành chính mới.
3. Về Quy hoạch sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
Theo các nội dung phân tích trên đây, việc quy hoạch sử dụng đất cần tổ chức lại để tăng thêm diện tích đất công cộng hoặc quỹ đất dự trữ phát triển. Từ đó bố trí lại hệ thống hạ tầng giao thông, cây xanh cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.
4. Nhận dạng và đánh giá các tác động:
Đánh giá môi trường chiến lược cần lưu ý làm rõ các vấn đề sau:
- Dự báo mức độ ô nhiễm không khí do khí thải của các phương tiện giao thông trên cơ sở số liệu quy hoạch về mật độ đường giao thông, lưu lượng giao thông trên các tuyến đường và khả năng (hoặc tần suất) ùn tắt giao thông vào các thời điểm bắt đầu/kết thúc ngày làm việc hoặc thời điểm diễn ra các sự kiện.
- Dự báo mức độ tác động đến tài nguyên nước do việc bơm nước từ sông Cái vào sông Quán Trường vào mùa khô để duy trì mực nước của các lưu vực nước trong đô thị theo thiết kế. Nghiên cứu xây dựng các đập ngăn mặn và giữ nước trên sông.
Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong